Bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī biết gần đến ngày đản sinh Đức Bồ Tát, bà đến chầu Đức vua Suddhodana bèn tâu rằng:
- Muôn tâu Bệ hạ, thần thiếp xin phép trở về cố quốc Vedeha để hạ sinh Thái tử.
Đức vua chuẩn tấu lời xin của bà và truyền lệnh cho các quan sửa sang đường sá bằng phẳng, trang hoàng đẹp đẽ từ xứ Kapilavatthu cho đến xứ Vedeha, để tiễn đưa chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī trở về cố quốc; Đức vua còn truyền lệnh làm một chiếc kiệu mới thật sang trọng để cho bà ngự đi.
Mọi việc đều chuẩn bị sẵn sàng, bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī được thỉnh ngự lên chiếc kiệu, các quan khiêng chiếc kiệu đi từ kinh thành Kapilavatthu đến kinh thành Vedeha.Trên đường, khi đoàn người vừa đến khu vườn Lumbīnī, hôm ấy, thật tuyệt vời! Cả muôn hoa đều đua nở và muôn chim cùng ca hót như hân hoan đón mừng một sự kiện trọng đại. Bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī muốn dừng kiệu lại, ghé vào vườn Lumbīnī, để du lãm.
Các quan tâu xin Đức vua, và Đức vua Suddhodana chấp thuận.
Chư thiên, chư phạm thiên tụ hội
Khi bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī ngự vào vườn Lumbīnī, hôm ấy chư thiên, chư phạm thiên tụ hội tại khu vườn, và cả vạn thế giới chúng sinh vui mừng reo hò rằng:
- “Hôm nay, tại khu vườn Lumbīnī này, Đức Bồ Tát sẽ đản sinh ra đời khỏi lòng bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī”.
Chư thiên, chư phạm thiên, tay cầm những món quà từ cõi trời như vật thơm trời, những đóa hoa trời, nhạc trời trổi lên để cúng dường Đức Bồ Tát cùng với những chiếc lọng trắng che phủ khắp không gian.
Bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī ngự đến một cây Sālā có thân to, cành cây đầy hoa đang nở rộ; khi bà đứng đưa cánh tay phải lên, thì cành cây tự nhiên sà xuống, bà đưa tay nắm lấy cành cây với tư thế dáng đứng rất đẹp. Đức Bồ Tát cao thượng sẽ đản sinh ra đời trong tư thế dáng đứng này; cho nên các quan, các cung nữ che màn xung quanh nơi bà đang đứng. Bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī đứng trong tư thế dáng đứng vững vàng. Khi ấy, Đức Bồ Tát cao thượng đản sinh ra đời khỏi lòng bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī bằng đôi chân ra trước, rồi xuôi hai tay, toàn thân mình sạch sẽ ra sau, một cách suôn sẻ an lành cả Đức Bồ Tát lẫn mẫu thân của Ngài. Lúc đó, vào ban ngày của ngày thứ 6, nhằm ngày rằm tháng tư(âm lịch). Khi ấy, hai dòng nước ấm và lạnh từ trên hư không chảy xuống làm cho sạch sẽ thân hình của Đức Bồ Tát và mẫu thân của Ngài.
Khi Đức Bồ Tát cao thượng vừa ra khỏi lòng bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī, trước tiên 4 vị Đại Phạm Thiên có thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, mỗi vị cầm mỗi chéo tấm lưới bằng vàng đón nhận Đức Bồ Tát xong, rồi đặt trước mặt bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī và tâu rằng:
- Muôn tâu chánh cung Hoàng hậu, xin bà phát sinh tâm hoan hỷ ! Đây là Thái tử của bà, cũng là Đức Bồ Tát kiếp chót cao thượng. Ngài là Bậc đại phước có nhiều oai lực nhất trong tất cả chúng sinh trong tam giới.
Sau đó, Đức Bồ Tát từ trên tay 4 vị Đại Phạm Thiên được trao sang cho 4 vị Tứ Đại Thiên Vương đón tiếp bằng tấm da mềm mại; một lần nữa, Đức Bồ Tát từ tay 4 vị Tứ Đại Thiên Vương được trao sang cho các quan đón tiếp bằng tấm vải trắng tinh.
Khi ấy, Đức Bồ Tát từ trên tay các quan, bước xuống đạp trên mặt đất bằng đôi bàn chân bằng phẳng của Ngài, Đức Bồ Tát đứng quay mặt nhìn về hướng Đông, chư thiên và nhân loại dâng hoa cúng dường Đức Bồ Tát, rồi tán dương ca tụng rằng:
- Kính bạch Đức Đại nhân, tất cả chúng sinh trong hướng này, Ngài là Bậc cao thượng nhất, không có một ai cao thượng hơn Ngài.
Tiếp đến, Đức Bồ Tát quay mặt nhìn về hướng Nam... hướng Tây... hướng Bắc... hướng Đông Nam< ... hướng Tây Nam ... hướng Tây Bắc... hướng Đông Bắc trong tám hướng, mỗi hướng chư thiên và nhân loại đều dâng hoa cúng dường Đức Bồ Tát, rồi tán dương ca tụng rằng:
- Kính bạch Đức Đại nhân, tất cả chúng sinh trong hướng này, Ngài là Bậc cao thượng nhất, không có một ai cao thượng hơn Ngài.
Đức Bồ Tát cúi mặt nhìn xuống hướng dưới, rồi ngẩng mặt nhìn lên hướng trên, chư thiên, chư phạm thiên đều dâng hoa tán dương và ca tụng rằng:
- Kính bạch Đức Đại nhân, chư thiên, chư phạm thiên hướng trên này, Ngài là Bậc cao thượng nhất, không có chư thiên, chư phạm thiên nào cao thượng hơn Ngài.
Đức Bồ Tát đứng nhìn về hướng Bắc rồi bước đi 7 bước, bước đầu tiên Ngài bước bằng chân phải (theo thói quen, Đức Phật bước chân phải trước tiên). Khi Đức Bồ Tát bước đi, Vua trời phạm thiên cầm chiếc lọng màu trắng che cho Ngài, Đức vua Suyāma cầm quạt lông, còn 3 thứ khác là đôi hia, gươm báu, vương miện, mỗi vị Vua trời cầm mỗi thứ đi theo sau Đức Bồ Tát. Đó là 5 bảo vật của lễ phong Vương.
Đức Bồ Tát dừng lại ở bước chân thứ 7. Khi ấy tất cả chư thiên, chư phạm thiên đều bảo với nhau rằng:
“Bây giờ, Đức Bồ Tát cao thượng sẽ truyền dạy những lời tối quan trọng”.
Đức Bồ Tát truyền dạy lời tối quan trọng đầu tiên
Tất cả đều im lặng, chờ lắng nghe, Đức Bồ Tát dõng dạc truyền dạy rằng:
"Aggo ham asmi lokassa!
Jeṭṭho ham asmi lokassa!
Seṭṭho ham asmi lokassa!
Ayamantimā jāti
Natthi dāni punabbhavo”.Ta là Bậc cao cả nhất, trong toàn cõi thế giới chúng sinh!
Ta là Bậc vĩ đại nhất, trong toàn cõi thế giới chúng sinh!
Ta là Bậc Tối Thượng nhất, trong toàn cõi thế giới chúng sinh!
Kiếp này là kiếp chót của ta
Ta không còn tái sinh kiếp nào khác nữa!
Chư thiên, chư phạm thiên và nhân loại vô cùng hoan hỷ, đồng thanh tán dương ca tụng Đức Bồ Tát.
Bảy người và vật đồng sinh với Đức Bồ Tát
Đức Bồ Tát đản sinh ra đời, đồng thời có 7 người và vật cùng sinh với Đức Bồ Tát:
- Công chúa Bhaddakaccānā gọi Yassodharā (là công chúa của Đức vua Suppabuddha và chánh cung Hoàng hậu Amittādevī xứ Vedeha).
- Hoàng tử Ānanda (Hoàng tử của ông hoàng Amittodana dòng Sakya là hoàng đệ của Đức vua Suddhodana).
- Channa (quan giữ ngựa).
- Kāḷudāyī (vị quan cận thần).
- Ngựa báu Kaṇḍaka.
- Cây Mahābodhi (cây assattha mọc trong rừng Uruvela sau này trở thành cây Mahābodhi của Đức Phật Gotama).
- Bốn hầm vàng, kho báu trong kinh thành Kapilavatthu.
Chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī cùng Thái tử ngự trở về lại kinh thành Kapilavatthu.
Đầu thai sinh làm người có 4 hạng người
Sự tái sinh đầu thai sinh làm người có 4 hạng người, và có sự hiểu biết qua ba thời kỳ khác nhau như sau:
1) Hạng người thường và Chư Bồ Tát Thanh Văn hạng thường, khi tái sinh đầu thai sinh làm người, hoàn toàn không biết cả ba thời kỳ:
Không biết thời kỳ tái sinh đầu thai vào lòng mẹ.
Không biết thời kỳ đang ở trong lòng mẹ.
Không biết thời kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.
2) Chư Bồ Tát Đại Thanh Văn, khi tái sinh đầu thai sinh làm người kiếp chót, chỉ biết một thời kỳ và không biết hai thời kỳ:
Trí tuệ biết thời kỳ tái sinh đầu thai vào lòng mẹ.
Không biết thời kỳ đang ở trong lòng mẹ.
Không biết thời kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.
3) Chư Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn và chư Bồ Tát Độc Giác, khi tái sinh đầu thai làm người kiếp chót, biết được hai thời kỳ và không biết một thời kỳ:
Trí tuệ biết thời kỳ tái sinh đầu thai vào lòng mẹ.
Trí tuệ biết thời kỳ đang ở trong lòng mẹ.
Không biết thời kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.
4) Chư Bồ Tát Chánh Đẳng Giác, khi tái sinh đầu thai làm người kiếp chót, biết rõ cả ba thời kỳ:
Trí tuệ biết rõ thời kỳ tái sinh đầu thai vào lòng mẹ.
Trí tuệ biết rõ thời kỳ đang ở trong lòng mẹ.
Trí tuệ biết rõ thời kỳ đản sinh ra đời khỏi lòng mẹ.
Như trường hợp Thái tử Siddhatta là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác tái sinh đầu thai sinh làm người kiếp chót sẽ trở thành Đức Phật Gotama, Ngài có trí tuệ biết rõ cả ba thời kỳ:
* Ngài có trí tuệ biết rõ thời kỳ tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân: “Bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī”.
* Ngài có trí tuệ biết rõ thời kỳ đang ở trong lòng mẫu thân, như ở trong căn phòng sạch sẽ sang trọng, Đức Bồ Tát ngồi kiết già, như một vị Pháp sư ngồi trên pháp tòa và mẫu thân của Ngài cũng biết được Ngài nữa.
* Ngài có trí tuệ biết rõ thời kỳ đản sinh, mẫu thân đứng trong tư thế vững vàng, Đức Bồ Tát sinh ra bằng đôi chân ra trước, xuôi hai tay toàn thân mình ra sau một cách suôn sẻ an toàn, như vị Pháp sư bước xuống pháp tòa.
Đó là trường hợp đặc biệt của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Còn các hạng người khác như: Hạng người thường, chư Bồ Tát Thanh Văn, chư Bồ Tát Đại Thanh Văn, chư Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn, chư Bồ Tát Độc Giác không biết thời kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ; bởi vì, khi sắp sinh ra, thai nhi bị nhào lộn quay đầu xuống dưới, để cái đầu ra trước, thân mình ra sau, cửa ra chật hẹp còn chịu đau đớn sợ hãi, tâm không còn bình tĩnh. Do đó, những hạng người ấy không biết thời kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.
Tích vị Đạo sĩ Kāḷadevila
Đạo sĩ Kāḷadevila chứng đắc 8 bậc thiền, chứng đắc ngũ thông tam giới, là vị Tôn sư của Đức vua Suddhodana.
Hôm ấy, vị Đạo sĩ Kāḷadevila độ ngọ trong cung điện của Đức vua Suddhodana xong, liền lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên nghỉ trưa trong một lâu đài, ngồi nhập thiền để hưởng sự an lạc trong thiền định; khi xả thiền vị Đạo sĩ ra đứng trước cửa, nhìn thấy Đức vua Sakka cùng chư thiên nam, chư thiên nữ hoan hỷ vui mừng reo hò một cách khác thường, không giống như mọi ngày, vị Đạo sĩ bèn hỏi rằng:
- Này chư thiên, tại sao hôm nay quý vị hoan hỷ vui mừng, reo hò ca hát vui vẻ khác thường như vậy, quý vị có thể nói lý do ấy cho bần đạo nghe được hay không?
Chư thiên bạch rằng:
- Kính bạch Ngài Đạo sĩ, hôm nay Thái tử của Đức vua Suddhodana đã sinh ra đời rồi. Khi Thái tử trưởng thành sẽ từ bỏ nhà xuất gia và trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thuyết pháp Chuyển Pháp Luân tế độ cho chúng sinh: Nhân loại và chư thiên, phạm thiên có cơ hội được lắng nghe chánh pháp, rồi thực hành theo chánh pháp dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo- 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.
Đó là nguyên nhân làm cho chúng tôi vô cùng hoan hỷ, vui mừng reo hò ca hát khác thường như vậy!
Sau khi lắng nghe chư thiên trả lời như vậy, vị Đạo sĩ Kāḷadevila liền từ cõi trời Tam Thập Tam Thiên hiện xuống cõi người, đi vào cung điện của Đức vua Suddhodana; Đức vua cung kính đón tiếp, thỉnh mời ngồi chỗ cao quý, Đức vua đảnh lễ xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, vị Đạo sĩ Kāḷadevila bèn hỏi rằng:
- Này Đại vương, bần đạo nghe nói rằng Thái tử của Đức vua đã sinh ra đời rồi, bần đạo xin được chiêm ngưỡng Thái tử.
Đức vua Suddhodana truyền lệnh thay trang phục cho Thái tử xong, rồi thỉnh Thái tử ra mắt đảnh lễ vị Đạo sĩ Kāḷadevila. Khi ra trước mặt vị Đạo sĩ Kāḷadevila, Đức Bồ Tát Thái tử liền hiện lên đứng trên đầu vị Đạo sĩ Kāḷadevila với tư thế vững vàng.
Vị Đạo sĩ Kāḷadevila nhận thấy Đức Bồ Tát Thái tử có oai lực phi thường, nên vị Đạo sĩ đứng dậy dời xuống chỗ ngồi thấp, nhường chỗ ngồi cao quý lại cho Đức Bồ Tát, Đạo sĩ chắp hai tay lễ bái Đức Bồ Tát Thái tử.
Đức vua Suddhodana nhìn thấy oai lực phi thường của Đức Bồ Tát Thái tử, khiến Đức vua lần thứ nhất đảnh lễ Đức Bồ Tát Thái tử.
Đạo sĩ Kāḷadevila mỉm cười và khóc
Vị Đạo sĩ Kāḷadevila chứng đắc 8 bậc thiền và ngũ thông tam giới, có khả năng đặc biệt thấy rõ, biết rõ trong thời quá khứ 40 đại kiếp, và trong thời vị lai 40 đại kiếp, như vậy gồm 80 đại kiếp. Vị Đạo sĩ Kāḷadevila dùng trí tuệ nhãn thông thấy rõ biết rõ thời vị lai của Đức Bồ Tát Thái tử sẽ có đầy đủ 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ, trí tuệ thấy rõ biết rõ rằng:
“Không còn hoài nghi gì nữa, Đức Bồ Tát Thái tử này chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác”.
Vị Đạo sĩ Kāḷadevila phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ, nên mỉm miệng cười.
Sau đó, vị Đạo sĩ Kāḷadevila quán xét thân phận của mình và thấy rõ rằng:
“Ta không có duyên lành gặp được Đức Phật và không được lắng nghe chánh pháp của Ngài; bởi vì, ta sẽ chết trước khi Đức Bồ Tát Thái tử trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Vả lại, sau khi ta chết, do năng lực của đệ tứ thiền vô sắc: Phi tưởng, phi phi tưởng xứ thiền sẽ cho quả tái sinh trong cõi trời vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, có tuổi thọ lâu 84.000 ngàn đại kiếp. Vì cõi vô sắc chỉ có 4 danh uẩn, nên phạm thiên cõi vô sắc không có mắt để nhìn thấy Đức Phật, không có tai để nghe chánh pháp của Đức Phật khi Ngài xuất hiện trên thế gian”.
Khi vị Đạo sĩ Kāḷadevila biết mình không có duyên lành gặp được Đức Phật và không nghe được chánh pháp của Ngài, cảm thấy tủi phận, nên tủi thân khóc.
Đức vua Suddhodana nhìn thấy vị Đạo sĩ Kāladevila khi thì mỉm miệng cười, khi thì lại cảm động khóc bèn bạch hỏi rằng:
- Kính bạch Đạo sư, có tai họa nào xảy đến cho Thái tử của con không? Bạch Ngài.
Vị Đạo sĩ Kāladevila tâu rằng:
- Tâu đại vương, không có tai họa nào xảy đến cho Thái tử cả, Thái tử chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Bần đạo biết rõ như vậy nên mỉm miệng cười và bần đạo cũng biết rõ mình không có duyên lành được gặp Đức Phật và lắng nghe chánh pháp của Ngài, bần đạo cảm thấy tủi phận, nên tủi thân khóc.
Lễ đặt tên Đức Bồ Tát Thái tử
Đức Bồ Tát thái tử sinh ra đời được 5 ngày, thì Đức vua Suddhodana tổ chức trọng thể buổi lễ gội đầu và đặt tên cho Đức Bồ Tát Thái tử. Đức vua Suddhodana truyền lệnh mời 108 vị Bàlamôn thông hiểu ba bộ sách xem tướng (theo truyền thống của Bàlamôn) vào cung điện để thiết đãi món ăn đặc biệt “cơm nấu bằng sữa tươi nguyên chất”.
Trong số 108 vị Bàlamôn ấy, có 8 vị Bàlamôn đại trí là vị Bàlamôn Rāma, vị BàlamônDhaja, vị Bàlamôn Lakkhaṇa, vị Bàlamôn Jotimanta, vị Bàlamôn Yañña, vị Bàlamôn Subhoja,vị Bàlamôn Suyāma và vị Bàlamôn Sudatta; sau khi xem tướng, thấy Đức Bồ Tát có đầy đủ 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ. Trong 8 vị Bàlamôn đại trí, có 7 vị đồng đưa lên 2 ngón tay và đoán quả quyết rằng: Thái tử là Bậc có đầy đủ trọn vẹn các tướng tốt chính và phụ này:
- Nếu sống tại cung điện, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương trị vì thiên hạ có 4 biển làm ranh giới.
- Nếu từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Duy chỉ có một vị Bàlamôn trẻ tuổi nhất, thuộc dòng dõi Koṇḍanna tên là Bàlamôn Sudatta, sau khi xem kỹ tướng của Đức Bồ Tát Thái tử xong, vị Bàlamôn này chỉ đưa một ngón tay lên và đoán quả quyết rằng:
- Thái tử có đầy đủ trọn vẹn các tướng tốt chính và các tướng tốt phụ này, Thái tử không thể nào sống tại cung điện, Thái tử sẽ từ bỏ nhà đi xuất gia, rồi chắc chắn Ngài sẽ trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Tất cả các vị Bàlamôn đại trí cũng đều nhất trí với nhau rằng:
“Thái tử chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác”.
Trong lễ gội đầu và đặt tên cho Đức Bồ Tát Thái tử, tất cả các vị Bàlamôn đại trí đều nhất trí với nhau rằng: Đức Bồ Tát Thái tử chắc chắn sẽ trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho chúng sinh trong tam giới (tam giới theo danh từ Pāḷi gọi là attha) và chắc chắn sẽ được thành tựu như ý (như ý theo danh từ Pāḷi gọi là siddha). Hai danh từ này được ghép với nhau thành tên của Đức Bồ Tát Thái tử là SIDDHATTHA(SIDDHA + ATTHA) nghĩa là sự lợi ích được thành tựu, hoặc Bậc đem lại sự thành tựu mọi lợi ích cho chúng sinh.
Khi các bậc đại trí làm lễ đặt tên cho đứa trẻ nào, quý Ngài quán xét về tương lai cuộc đời của đứa trẻ ấy, để đặt tên gọi cho phù hợp với cả cuộc đời đứa trẻ. Thật ra, tên gọi nào cũng chỉ là danh từ riêng chế định mà thôi. Nếu danh từ riêng ấy có ý nghĩa phù hợp với con người, thì tự nó có một tiềm năng động viên khuyến khích con người ấy vượt qua mọi trở ngại, để xứng đáng với tên gọi của mình.
Do đó, khi có đứa con sinh ra đời, gia đình thường mời các bậc đại trí đến nhà xem tướng, rồi làm lễ đặt tên cho đứa con của mình.
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp
Mh.
Nguồn tin: Tanh Huynh
Chép lại từ phatgiaonguyenthuy.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét