Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Đại tượng Phật A Di Đà cao nhất Việt Nam trên đỉnh FANSIPAN

Kim Sơn Bảo Thắng Tự tọa lạc gần đỉnh Fansipan, được xây dựng từ cuối năm 2015 và chính thứchoàn thiện, khánh thành sau hai năm triển khai thi công (tháng 1/2018).
Từ Kim Sơn Bảo Thắng Tự đi dọc theo con đườngLa Hán xuống là Đại tượng Phật A Di Đà cao 21,5m, được đúc bằng đồng theo kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay. Đây là bức tượng Phật bằng đồng cao nhất Việt Nam tới thời điểm này.
Chia sẻ về quá trình thi công công trình kiến trúc tâm linh này, giáo sư Hoàng Đạo Kính bày tỏ trên báo điện tử ngoisao.net khi cho rằng đây thực sự là một kỳ công.
Cũng theo lời Giáo sư, đã có hàng chục ngàn tấn đá nguyên khối được đưa đến để xây dựng các chùa, bảo tháptháp chuông và hàng ngàn bậc đá uốn theo từng thế đất, hàng ngàn m3 gỗ, hàng vạn viên ngói phục chế.
Tất cả vật liệu đã được vận chuyển thủ công bằng cáp công vụ, bằng tay và sức người lên đỉnh, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt khi mà chỉ đứng ở trên đỉnh núi đó đã là khó rồi.
Đặc biệt, Đại tượng Phật bằng đồng được đúc theo kỹ thuật thi công đặc biệt nhất, lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam. Pho tượng này không được đúc thông thường mà được tạo thành bởi hàng ngàn vạn tấm đồng dày 5mm gia công tại chỗ, ốp trên một kết cấu khung sắt có thể tích gần 1000m3, báo Tiền phong đưa tin.
Ngay trong ngày khai quang, khoảng 500 phật tử ở 3 miền đất nước đã đến Kim Sơn Bảo Thắng Tự tham gia đại lễ cầu nguyện quốc thái dân an trên đỉnh Fansipan, Sapa, Lào Cai.
Hiện nay, quần thể du lịch tâm linh này đã nhận được sự quan tâm của du khách khắp nơi trên cả nước. Bất chấp tiết trời giá lạnh ở Lào Cai, nhiều người đã đổ xô đến đây để được tận mắt chiêm ngưỡngcông trình kỳ công tọa lạc trên đỉnh Fansipan hùng vĩ.


Nguồn: Thư viện Hoa sen - https://thuvienhoasen.org
Share:

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

HỌC VIỆN HOA KỲ NGHIÊN CỨU VỀ BÍ MẬT TÂM THỨC

16/08/2017 11:45 Sáng
Các nhà nghiên cứu từ Học viện Hoa Kỳ đang nghiên cứu về những nhà sư ở Bylakuppe để mở các bí mật của tâm thức.
Khoảng 1 giờ chiều tại Đại học Tu viện Sera Jey ở Bylakuppe, huyện Mysuru, bang Karnataka, Ấn Độ. Trên khắp khuôn viên rộng lớn, các nhà sư trong bộ y phục màu nâu sẫm đang thiền định, một số đang nghiên cứu, trong khi một số người khác đang tham gia vào một cuộc thảo luận.
Tất cả các hoạt động dường như vẫn diễn ra bình thường. Nhưng bên trong một phòng thí nghiệm nhỏ tại Trung tâm Khoa học Sera Jey, có một số hoạt động bất thường. Một nhóm các nhà nghiên cứu khoa học về các Nhà sư, trụ sở tại Hoa Kỳ, và Đại học Kent State (tiểu bang Ohio) đang theo dõi chặt chẽ các nhà sư khi họ có một cuộc thảo luận nghiêm túc về chánh niệm.
“Chúng tôi ở đây để lập bản đồ hoạt động não của các nhà sư Phật giáo khi họ tranh luận. Chúng tôi muốn hiểu những gì xảy ra trong não của họ và khi các nơ-ron đồng bộ hóa”, Bryce Johnson, chủ tịch và giám đốc điều hành của Khoa học về các Nhà sư nói.
Đối với các nhà sư Tây Tạng, tranh luận không chỉ là một bài tập về mặt học thuật. Đó là một cách để hiểu được bản chất của thực tế và đạt được kiến thức, thông qua việc phân tích cẩn thận các hiện tượng thế giới thực. Ông Ngawang Norbu, thành viên chính của Trung tâm Khoa học Sera Jay, nói: “Một mục tiêu quan trọng là áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế. Đức Dalai Lama thường nhấn mạnh rằng việc học không hữu ích bằng ứng dụng kiến thức thực tiễn”.
Được trang bị với những chiếc mũ trắng có các miếng điện cực để chụp lại các hoạt động của não, người thách thức (đứng) và người biện hộ (ngồi) tranh luận về những chủ đề từ tánh không đến vũ trụ học trong khi máy tính ghi lại những thông tin điện não đồ (EEG). EEG giúp nghiên cứu hoạt động của não bằng cách ghi lại hoạt động lặp đi lặp lại của một nơ-ron, được gọi là dao động thần kinh.
“Các nhà sư nhìn nhận điều này như là cách để tăng cường Phật học, đây là một phần của truyền thống Nalanda cổ đại… Dữ liệu của chúng tôi cho thấy khi cuộc tranh luận tiến triển, mức độ tập trung của họ tăng lên”, Johnson nói.
Có 9 nhà sư được chọn cho hoạt động lập bản đồ trong suốt thời gian nghiên cứu 15 ngày, kết thúc vào ngày 12-8-2017. Thông thường, người thách thức đặt câu hỏi và người biện hộ trả lời họ. Một khi vị ấy hoàn thành câu hỏi của mình, người thách thức vỗ tay một cách nhanh chóng – biểu hiện của từ bi (bên tay phải) và trí tuệ (trái tay) – và dẫm chân trái của mình. Người thách thức sau đó giơ cánh tay trái của vị ấy ra và sử dụng tay phải để nâng vòng tràng hạt quanh bên trái.
“EEG chụp được những khoảnh khắc trong bộ não của các nhà sư khi họ tham gia vào cuộc tranh luận. Khi nào các nơ-ron đồng bộ? Chất lượng sự chú ý trong quá trình tranh luận là gì? Nếu có sự đồng bộ giữa 2 nhà sư, khi nào thì điều đó xảy ra? Đây là những gì chúng ta đang tìm hiểu”, David M Fresco, giáo sư khoa học tâm lý học tại Đại học Kent State (tiểu bang Ohio) nói.
Bài tập cũng nhằm mục đích tìm hiểu sự khác biệt trong hoạt động não của các nhà sư cao tuổi và trẻ tuổi hơn. Các nhà nghiên cứu sẽ sớm so sánh dữ liệu đọc EEG để hiểu được hiện tượng tranh luận.
Năm 2004, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Wisconsin đã nghiên cứu các nhà sư Tây Tạng trong trạng thái thiền định và tìm thấy sóng gamma – các mức sóng hoạt động điện có tần số cao nhất trong các nơ-ron. Các mức độ này được thấy ở một số nhà sư ngay cả khi họ không thiền định, giả thuyết rằng những năm thiền định đã gây ra tính khả biến thần kinh. Các nghiên cứu tiếp theo đã chỉ ra rằng dòng máu chảy vào não cao hơn trong số những người thiền định lâu dài trong khi họ cũng có chất xám lớn hơn ở một số khu vực liên quan đến việc điều chỉnh tâm trí.
“Mục tiêu lâu dài là làm cho Khoa học Phật giáo, khoa học về tâm trí của truyền thống Nalanda cổ đại, có thể tiếp cận được lớn hơn với nhân loại bằng cách sử dụng khoa học hiện đại như là một phương tiện, chủ yếu để nâng cao giá trị và lòng trắc ẩn con người theo cách thế tục”, Ngawang Norbu, người đứng đầu Trung tâm Khoa học Sera Jey, nói.
Theo giacngo.vn
Copy to http://www.thegioiphatgiao.vn
Share:

THÁP ĐẠI NHẠN: NƠI LƯU TRỮ KINH SÁCH CỦA NGÀI HUYỀN TRANG

06/11/2017 7:18 Sáng
Tọa lạc bên trong khuôn viên chùa Đại Từ Ân (大慈恩寺), thuộc ngoại thành thành phố Tây An (西安), tỉnh Thiểm Tây (陕西), tháp Đại Nhạn (大雁塔) là một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc và được xem là một biểu tượng của tỉnh Thiểm Tây.
Tọa lạc bên trong khuôn viên chùa Đại Từ Ân (大慈恩寺), thuộc ngoại thành thành phố Tây An (西安), tỉnh Thiểm Tây (陕西), tháp Đại Nhạn (大雁塔) là một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc và được xem là một biểu tượng của tỉnh Thiểm Tây. Xây dựng vào năm 652 dưới triều hoàng đế Cao Tông (高宗628-683) nhà Đường (618-907), ngôi tháp này ban đầu đóng chức năng làm nơi lưu trữ những kinh sách Phật giáo mà ngài Huyền Trang đã mang về từ Ấn Độ. Ngài Huyền Trang khởi hành từ Trường An (nay là Thiểm Tây), hành trình dọc theo Con đường tơ lụa, đi qua nhiều quốc gia và cuối cùng đến Ấn Độ vào năm 630. Sau 17 năm lưu trú ở Ấn Độ, ngài trở về lại Trung Quốc, mang theo nhiều tượng Phật, xá-lợi và 657 bản kinh Phật khác nhau. Sau khi được hoàng đế Cao Tông đồng ý, ngài Huyền Trang, bấy giờ là vị trụ trì đầu tiên của chùa Đại Từ Ân, đã chỉ đạo xây dựng một ngôi tháp bên trong khuôn viên chùa. Sau đó với sự hỗ trợ của triều đình, ngài đã thỉnh mời 50 vị dịch giả đến đây để chuyển dịch kinh sách Phật từ tiếng Sanskrit sang Hán ngữ, tổng cộng có 1.335 tập được hoàn thành, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử dịch thuật Phật giáo.
Về lý do tại sao ngôi tháp này được gọi là Đại Nhạn có một giai thoại như sau. Chuyện kể rằng vào một ngày nọ, chư Tăng trong một ngôi chùa vốn không có truyền thống ăn chay, đã không mua được thịt cho bữa ăn ngày hôm đó. Khi nhìn thấy một đàn nhạn bay trên trời, một vị Tăng tự nhủ: “Hôm nay chúng ta không có thịt. Tôi mong Bồ-tát từ bi sẽ ban cho chúng ta một ít”. Ngay lúc ấy, con nhạn đầu đàn bị gãy cánh và rơi xuống đất. Các sư tăng vô cùng hoảng sợ và nghĩ rằng Bồ-tát thể hiện lòng mong muốn của ngài là họ cần phải từ bi hơn đối với chúng sanh. Do đó họ xây dựng một ngôi tháp ở nơi con nhạn rơi xuống và chấm dứt việc ăn thịt. Và theo đó ngôi tháp này được đặt tên là tháp Nhạn. Tuy nhiên, sự thực ngôi tháp này được đặt tên như vậy bởi vì kiến trúc của nó được mô phỏng từ một ngôi tháp có cùng tên ở Ấn Độ. Để phân biệt với ngôi tháp nhỏ hơn có cùng kiến trúc được xây dựng về sau tại chùa Tiến Phúc (荐福寺) ở Trường An, người ta gọi nó là tháp Đại Nhạn.
Tôn tượng ngài Huyền Trang
Ngôi tháp này ban đầu có chiều cao 60 mét với năm tầng, nhưng về sau nó được bổ sung thêm hai tầng và có chiều cao tổng thể là 64 mét. Hình ảnh ngôi tháp bảy tầng về sau đi vào tục ngữ Trung Quốc qua câu nói: “Cứu nhân nhất mệnh thắng tạo thất cấp phù đồ” (救人一命勝造七級浮屠: Cứu một mạng người hơn hẳn xây ngôi tháp bảy tầng). Nhìn ở bên ngoài, ngôi tháp có kiến trúc hình kim tự tháp, đơn giản nhưng uy nghi, và nó là một kiệt tác của kiến trúc Phật giáo. Ngôi tháp được xây bằng gạch nhưng không dùng đến xi-măng hay vôi vữa. Loại kiến trúc rầm chia trong kiến trúc truyền thống Trung Quốc cũng được sử dụng trong xây dựng.
Bên trong ngôi tháp, những bậc thang theo hình xoắn ốc dẫn lên những tầng trên, và ở đó ta có thể ngắm toàn cảnh thành phổ Tây An từ những cửa sổ ở bốn mặt tháp. Trên các bức tường được khắc chạm những bực tượng Phật mà được cho là do họa sĩ nổi tiếng đời Đường là Diêm Lập Bổn (閻立本600-673) thực hiện. Những bức tượng đá thể hiện sự thiện xảo trong điêu khắc, và hiện được xem là những nguồn tham khảo quan trọng cho việc nghiên cứu về hội họa và điêu khắc đời Đường. Vào đời nhà Đường, mọi thí sinh trúng tuyển – những người đỗ những kỳ thì do triều đình tổ chức, phải trèo lên tháp Đại Nhạn viết một bài thơ và chữ viết lên đó. Nghi thức này tượng trưng cho việc thăng tiến sự nghiệp trong tương lai. Hình thức viết thơ và đề chữ của những thí sinh trúng tuyển của các kỳ thi triều đình tiếp tục cho đến triều Minh. Những bài thơ và các bản chữ viết này tồn tại cho đến ngày nay.
Tại hai mặt cửa Nam của tháp, ở đó dựng hai tấm bia do nhà thư pháp nổi tiếng đời Đường là Trữ Toại Lương (褚遂良) viết, nhưng nội dung của bia do hai hoàng đế Đường Thái Tông và Đường Cao Tông soạn, để tán thán những kỳ tích mà ngài Huyền Trang đã thực hiện.
Quần thể ngôi chùa mà ở đó tháp Đại Nhạn tọa lạc là một khu vườn tuyệt đẹp với những kiến trúc ấn tượng. Mặc dù bị hủy hoại và trùng tu nhiều lần, và hầu hết những khu nhà trong quần thể chùa Đại Từ Ân được xây vào thời Thanh, nhưng những công trình này đều mang kiến trúc đời Đường – thời kỳ ngôi chùa được thành lập. Quần thể ngôi chùa được xây dựng dọc theo một trục chính, với những công trình đối xứng hai bên. Bên trong ngôi chính điện thờ ba tôn tượng Phật, tượng trưng cho ba hóa thân của Đức Phật. Bức tượng ở giữa là Pháp thân, bức phía Tây là Báo thân và bức phía Đông là Ứng thân. Ngoài ra trong quần thể ngôi chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật xưa.
Phía Bắc của tháp Đại Nhạn có một đài nhạc nước rất lớn. Cấu trúc của đài nhạc nước này kết hợp giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại. Viếng thăm nơi này cần đến vào buổi tối, khi toàn thể khu vực này được thắp đèn. Phía Nam của tháp Đại Nhạn là quảng trường Huyền Trang, nhân vật gắn liền với ngôi chùa này. Gần quảng trường Huyền Trang là Đại Đường bất dạ thành (大唐不夜城) – một khu tổ hợp với nhiều chức năng khác nhau.
Tháp Đại Nhạn là danh lam nổi tiếng nhất của thành phố Tây An, và là một địa chỉ không nên bỏ qua khi ta có dịp viếng thăm thành phố này. Viếng thăm nơi này, ngoài việc thưởng lãm một ngôi chùa cổ có kiến trúc và cảnh quan đẹp, đây cũng là dịp cho chúng ta tìm hiểu và ôn lại hành trạng của một nhân vật nổi tiếng của Phật giáo, đó là ngài Huyền Trang. 
Nguyễn Đăng
Theo Nguyệt San Giác Ngộ
Copy to http://www.thegioiphatgiao.vn
Share:

SẮP CHIẾU PHIM VỀ THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH TẠI VN

02/02/2018 2:21 Chiều
Mới đây, đại diện BTC công chiếu bộ phim tài liệu về Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Việt Nam, đã chính thức công bố ngày ra mắt phim.
Theo đó, hồi giữa tháng trước, bộ phim Walk with me với tựa tiếng Việt là Bước chân an lạc, nói về một cộng đồng các nhà sư và chư Ni Phật giáo đã cống hiến đời mình để làm chủ được nghệ thuật chánh niệm, với vị thầy nổi tiếng thế giới Thích Nhất Hạnh, đã được cấp giấy phép trình chiếu tại Việt Nam.
Walk with me – poster phim khi được công chiếu tại Thái Lan – Ảnh: Quảng Điền
Thông tin với báo giới, đại diện BTC cho biết, bộ phim sẽ chính thức có 3 buổi ra mắt công chúng tại Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẵng, cụ thể như sau: tại TP.HCM: Thứ tư (28-2), lúc 18 giờ, tại rạp BHD Star Cineplex – Bitexco; tại Đà Nẵng: Thứ bảy (3-3), lúc 18 giờ, tại rạp Lotte Đà Nẵng; Hà Nội: Thứ bảy (10-3), lúc 18 giờ, tại Rạp BHD Star Cineplex – Phạm Hùng.
Được biết, sau ba ngày ra mắt giới thiệu phim kể trên, lịch trình cụ thể công chiếu rộng rãi tại các rạp trên toàn quốc, sẽ được BTC sắp xếp và công bố sau. Hiện tại, quý Phật tử cũng như khán giả quan tâm có thể đặt vé trước, bằng hình thức trực tuyến qua trang chủ của cụm rạp BHD Star Cineplex, giá vé niêm yết được phía cụm rạp BHD đưa ra là 60.000-70.000đồng/vé và cuối tuần 90.000-100.000 đồng/vé.
Walk With Me với độ dài 88 phút, là bộ phim tài liệu nói về đời sống và sự cống hiến của cộng đồng Tăng sĩ Phật giáo Làng Mai dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nổi bật sự chánh niệm trong thiền định. Bộ phim do hai đạo diễn Max Pugh và Marc J.Francis kỳ công thực hiện trong 5 năm, và đã được trình chiếu ở nhiều nơi (dự kiến được công chiếu tại Việt Nam trên hệ thống rạp BHD từ cuối năm ngoái).
Theo tác giả người Mỹ, dịch giả, biên tập viên, giáo viên và nhà thơ sống ở San Francisco, một trong những cố vấn quốc tế của kênh Phật giáo, trang web tin tức của Phật giáo Malaysia và hiện đang làm việc cho tờ Tricycle: The Buddhist Review – ông Gary Gregory Gach – Walk With Me không chỉ là bộ phim diễn tả chánh niệm, mà đó là sự trải nghiệm trực tiếp, đi thẳng vào bên trong những gì gọi là chánh niệm.
Nhân vật danh dự của Walk With Me là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã có những lời nhắn nhủ đến các rạp chiếu phim về việc hoán đổi bối cảnh rạp thành các thiền đường – ông Gary Gregory Gach nói và lý giải – sở dĩ tôi gọi “nhân vật danh dự” bởi vì sự hiện diện của Thiền sư đại diện cho cả một cộng đồng được yêu mến, do chính Thiền sư thiết lập nên và duy trì đến nay, không chỉ riêng ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới, với cái tên đặc biệt: Làng Mai.
Giao Hảo
Theo GNO
Copy to http://www.thegioiphatgiao.vn
Share:

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Vài Nét Về Hòa Thượng Thích Thanh Từ


Hòa thượng húy là Trần Hữu Phước, pháp danh Thích Thanh Từ, sau đổi lại húy là Trần Thanh Từ. Sinh ngày 24 tháng 07 năm Giáp Tý (1924), tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long).

Thân phụ của Hòa thượng húy Trần Văn Mão, từ nhỏ theo nghiệp Nho, giữ nếp sống thanh bần. Cụ ông theo  đạo  Cao  đài, lập gia đình hơi muộn. Thân mẫu của Hòa thượng húy Nguyễn Thị Đủ quê làng Thiện Mỹ, dòng Thanh Bạch, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Cụ bà chân chất hiền lành, suốt đời tận tụy hy sinh vì chồng vì con.
Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nghèo túng, nhưng Người đã nổi bật những nét riêng từ thuở ấu thơ: trầm mặc, ít nói, thích đọc sách, có chí xuất trần và đặc biệt rất hiếu thảo với Cha Mẹ. 
Khoảng năm 9 tuổi, nhân theo Cụ ông lên Mốp Văn, Long Xuyên thọ tang người Bác thứ ba, Hòa thượng được đến chùa Sân Tiên trên núi Ba Thê cúng cầu siêu cho Bác. Duyên xưa gặp lại, nghe tiếng chuông chùa ngân dài giữa khoảng thinh không cô tịch, Hòa thượng rúng động như có một nỗi niềm giao cảm tự bao giờ. Bất thần Người xuất khẩu thành thơ:
Non đảnh là nơi thú lắm ai,
Đó cảnh nhàn du của khách tài.
Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc
Chuông hồi văng vẳng quá bi ai!
Có thể nói rằng chí xuất trần của Hòa thượng nổi dậy kể từ đây. 
Sớm chìm nổi theo dòng đời và nhất là sống trong thời loạn lạc, Hòa thượng càng thấm thía, càng đau xót nỗi thống khổ của con người. Chí xuất trần của Hòa thượng vì thế càng trở nên mãnh liệt hơn và Người luôn ôm ấp một tâm niệm “ Nếu tôi không thể làm một viên linh đơn cứu tất cả bệnh của chúng sanh, ít ra cũng là một viên thuốc bổ giúp cho người bớt khổ.” Từ dạo đó trái nhân duyên đã chín muồi, cuộc đời của Hòa thượng rẽ sang một con đường sáng.
Ngày 15 tháng 07 năm Kỷ Sửu 1949, sau ba tháng công quả tại chùa Phật Quang, Hòa thượng được Tổ Thiện Hoa chánh thức cho xuất gia với pháp danh là Thanh Từ. Thế là ước  nguyện  của  Người  đã được thành tựu. Từ đây Hòa thượng siêng năng theo Tổ công phu bái sám, vừa học giáo lý, vừa dạy trẻ em. Ngoài ra còn phụ trông nom coi sóc mấy chục chú Tiểu trong chùa. Công việc tuy nhiều, song Hòa thượng luôn để tâm học Giáo điển.
Năm 1949 -1950, Hòa thượng theo học lớp Sơ đẳng năm thứ ba tại Phật Học Đường Phật Quang.  Đến năm 1951, Hòa thượng bắt đầu học lên Trung đẳng.
Một khuya nọ, nhân đọc Kinh Lăng Nghiêm đến chỗ Phật chỉ Tôn giả A Nan nhận ra bản tâm chân thật của chính mình qua tánh thấy, tánh nghe, bất giác Hòa thượng xúc động rơi lệ. Phải chăng đây là dấu hiệu cho biết chủng duyên Phật Pháp nhiều đời của Người đã bắt đầu nẩy mầm?
Cũng trong năm nầy chùa Phật Quang bị binh biến, Tổ Thiện Hoa phải dời Tăng chúng lên chùa Phước Hậu, Hòa thượng cũng được theo và thọ giới Sa Di tại đây do Tổ Khánh Anh làm Hòa thượng Đàn đầu.
Năm 1953 Hòa thượng theo Bổn sư là Tổ Thiện Hoa lên Sài gòn, tiếp tục học lớp Trung đẳngtại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Tại đây, Hòa thượng được thọ giới Cụ túc do Tổ Huệ Quang làm Hòa thượng Đàn đầu.
Từ năm 1954 -1959, Hòa thượng học Cao đẳng Phật học tại Phật Học Đường Nam Việt. Những vị đồng khóa cùng ra trường với Hòa thượng như quí Ngài Huyền Vi, Thiền Định, Từ Thông, ...   
Như vậy là ngót mười năm Hòa thượng đã trải qua hai năm Sơ đẳng, ba năm Trung đẳng, bốn năm Cao đẳng. Tốt nghiệp các lớp Phật học xong là đoạn đường Tăng sinh đã hoàn tất. Hòa thượng bước sang thời kỳ hóa đạo. Hòa thượng là một vị Giảng sư trong Giảng sư đoàn của ban Hoằng Pháp, có uy tín lớn thời bấy giờ và được sự mến mộ của Phật tử xa gần.
Năm 1960 -1964, Hòa thượng đã giữ những chức vụ trong Phật giáo:
  • Phó Vụ Trưởng Phật Học Vụ.
  • Vụ Trưởng Phật Học Vụ.
  • Giáo sư kiêm Quản viện Phật Học Viện Huệ Nghiêm.
  • Giảng sư Viện Đại Học Vạn Hạnh và các Phật Học Đường Dược Sư, Từ Nghiêm,...
Sau lễ mãn khóa Cao Trung Chuyên Khoa tại Huệ Nghiêm và Dược Sư, Hòa thượng thầm nghĩ với ngần ấy đóng góp cũng phần nào tạm đủ nói lên tấm lòng tri ân và báo ân của mình đối với Thầy Tổ rồi. Hòa thượng liền xin phép với Tổ Thiện Hoa được lui về núi ẩn tu. Chí đã quyết, Hòa thượng dằn lòng dứt áo ra đi, âm thầm một mình một bóng lên chốn non thâm.
Hòa thượng đã thật sự giã từ Phật Học Viện, giã từ phấn bảng với năm tháng miệt mài vì tứ chúng. Nhưng hai tiếng "Tăng Ni" vẫn xoáy sâu vào lòng Người, để sau này chút duyên "Thầy Trò" ấy lại gặp nhau và càng thêm son sắt trên đỉnh Tương Kỳ.
Tháng 04 năm 1966, Hòa thượng dựng Pháp Lạc thất trên núi Tương Kỳ, Vũng Tàu. Ngôi thất lá vuông vức bốn thước đơn sơ với bộ Đại Tạng Kinh, nhưng đã ấp ủ một thiền Tăng nghèo quyết nhận lại cho kỳ được hạt châu vô giá của chính mình.
Đến rằm tháng tư năm Mậu Thân, Hòa thượng tuyên bố nhập thất vô hạn định với lời kiên quyết: " Nếu đạo không sáng, thệ không ra thất.” Thế là cửa sài đôi cánh khép. Toàn thể môn nhân qui ngưỡng lên non một lòng mong đợi.
Tháng 07 năm 1968, Hòa thượng liễu đạt lý sắc không, thấu suốt thật tướng Bát Nhã. Từ con mắt Bát Nhã trông qua tạng Kinh, lời Phật, ý Tổ hoác toang thông thống. Giáo lý Đại thừa và thâm ý nhà Thiền đã được Hòa thượng khám phá từ công phu thiền định của Người.
Ngày 08 tháng 12 năm ấy, Hòa thượng tuyên bố ra thất giữa bao niềm hân hoan của Tăng Ni, Phật tử. Nước cam lồ từ đây rưới khắp, suối từ bi từ đây tuônchảy. Pháp Lạc thất thật xứng đáng là linh hồn của dòng Thiền Chân Không. Nơi đây, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình, một bước ngoặc lớn trong cuộc đời tu của Hòa thượng. Hoài bão tu Thiền đã thai nghén bao năm trong thầm lặng đơn độc của Người, đến đây mới thật sự có điểm khởi phát và lớn dậy, để sau nầy Phật giáo Việt Nam vinh dự có một ngôi sao sáng mở ra trang Thiền sử Việt Nam rực rỡ huy hoàng vào cuối thế kỷ 20.
Hòa thượng đã từng nói: “Tôi là kẻ nợ của Tăng Ni và Phật tử. Ai biết đòi thì tôi trả trước, ai chưa biết đòi thì trả sau.” Suốt đời Ngài đều dốc hết sức mình lo cho Phật pháp, đặc biệt là làm sống lại Thiền tông đời Trần, tạo điều kiện cho Tăng Ni tu hành tiến bộ. Tăng Ni tu hành có tiến bộ thì Phật pháp mới còn và lớn mạnh được. Sự tu hành tiến bộ của Tăng Ni là niềm vui của Ngài. Ngài nói: “Hoài bão của Thầy đều gởi gắm hết vào sự nỗ lực tu tập của tụi con. Tăng Ni tu có niềm vui, sáng được việc lớn, đó là biết thương tưởng đến Thầy. Bằng ngược lại thì thật là Thầy chưa đủ phước để được vui trước khi nhắm mắt. Bởi vì nguyện vọng khôi phục Thiền tông Việt Nam, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần của Thầy chưa thành tựu.”
Hòa Thượng hiện là Viện Chủ Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (Đà Lạt - Việt Nam), Hội Trưởng Hội Thiền Học Việt Nam, Chủ Tịch kiêm Hội Trưởng Hội Thiền Học Quang Chiếu và là Trụ Trì Thiền Viện Quang Chiếu.
Các thiền viện sau đây chính thức được Hòa thượng thành lập, làm nơi giáo hóa và hướng dẫn tu hành:
  • Thiền viện Chân Không, núi Tương Kỳ - Vũng Tàu, thành lập vào tháng 04 năm 1971; dời về Thường Chiếu năm 1986, được phép tái thiết năm 1995.
  • Thiền viện Thường Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 08 năm 1974.
  • Thiền viện Viên Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 04 năm 1975.
  • Thiền viện Huệ Chiếu, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành lập tháng 04 năm 1979.
  • Thiền viện Linh Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 02 năm 1980.
  • Thiền viện Phổ Chiếu, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành lập tháng 06 năm 1980.
  • Thiền viện Tịch Chiếu, Long Hải, thành lập tháng 07 năm 1987.
  • Thiền viện Liễu Đức, Long Thành - Đồng Nai.
  • Thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt - Lâm Đồng, thành lập tháng 04 năm 1993.
  • Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, 2002.
  • Thiền viện Tuệ Quang, Linh Trung, Thủ Đức, Sài Gòn.
  • Thiền viện Hương Hải, Long Thành - Đồng Nai.
  • Thiền viện Đạo Huệ, Long Thành - Đồng Nai.
  • Thiền viện Tuệ Thông, Long Thành - Đồng Nai.
  • Thiền viện Quang Chiếu, Forthworth, Texas, Mỹ, thành lập năm 2000.
  • Thiền viện Đại Đăng, Bonsall, California, Mỹ, thành lập năm 2001.
  • Thiền viện Đạo Viên, Québec, Canada, thành lập năm 2002.
  • Thiền viện Bồ Đề, Boston, Mỹ, thành lập năm 2002.
  • Thiền viện Diệu Nhân, Sacramento, Mỹ, thành lập năm 2002.
  • Thiền viện Tiêu Dao, Úc.
  • Ngoài ra, còn có Thiền Thất Ngọc Chiếu, Garden Grove, CA, Mỹ. Thiền Thất Thường Lạc - Pháp. Thiền Trang Hỷ Xả - Úc
  • Hòa thượng cũng đã góp sức trùng tu hai Tổ đình Phật Quang và Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long.
Hòa thượng giảng và dịch rất nhiều bộ Kinh, Luận và Sử từ Hán văn sang Việt văn. Ngoài ra Hòa thượng còn giảng giải rất nhiều bài pháp phổ thông cho Tăng Ni và Phật tử.
Hòa thượng đã đi du hoá và thăm viếng các nước:
  • Cam-pu-chia (1956)
  • Ấn Độ, Tích Lan và Nhật Bản (1965)
  • Trung Quốc (1993)
  • Pháp (1994 - 2002)
  • Thụy Sĩ (1994)
  • Indonesia (1996).
  • Canada (1994 - 2002)
  • Hoa Kỳ (1994 - 2000 - 2001 - 2002)
  • Úc châu (1996 - 2002).
(Nguồn: Thích Tâm Hạnh-Thiền Viện Trúc Lâm)
Share:

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Cậu thiếu niên Nepal ngồi thiền dưới gốc cây 8 tháng không ăn không uống

09/03/2017 10:41:33 - Thời báo Today


Năm 2005, một cậu thiếu niên 15 tuổi người Nepal đã ngồi thiền 8 tháng liên tục dưới một gốc cây mà không ăn uống. Câu chuyện của cậu đã thu hút giới truyền thông khắp thế giới.

Trong khu rừng ở Ratapuri làng Bala (Nepal) có một cậu thiếu niên tên là Ram Bahadur Bomjan, vốn đi theo Phật giáo từ nhỏ. Vào năm 2005, cậu nói với gia đình rằng “đừng giết động vật, đừng uống rượu, bởi vì những việc này sẽ làm hại chính mình”. Sau đó, cậu rời khỏi nhà và vào trong rừng ngồi thiền, không ăn không uống. 



Ban đầu, gia đình cậu phản đối và tìm mọi cách để không cho Ram ngồi thiền. Nhưng sau 3 tháng thì họ bỏ cuộc. Cậu không ăn không uống, không vệ sinh cá nhân gần 8 tháng , từ sáng đến tối chỉ nhắm mắt ngồi dưới gốc cây. Điều này đã thu hút hàng ngàn người đến hành hương, họ gọi Ram là “cậu bé Phật” (Buddha boy). Người thân của cậu đã lập một hàng rào lớn quanh gốc cây để tránh người ngoài vào làm phiền quá trình thiền định. 


​ Ram Bahadur Bomjon đang ngồi thiền định dưới gốc cây.
Video tài liệu của kênh Discovery

Tin tức về “cậu bé Phật” nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Nhóm sản xuất chương trình Discovery tỏ ra nghi ngờ đối với tin tức này nên đã đến thực địa, tiến hành ghi hình suốt 96 giờ đồng hồ ở vị trí bên ngoài cách hàng rào bảo vệ 50m để xác thực xem liệu cậu thiếu niên có thật sự như lời dân làng nói. 



Khán giả sẽ quan sát xem liệu cậu thiếu niên này có rời khỏi gốc cây hoặc lấy đồ ăn thức uống từ nơi khác hay không. Bác sĩ từ khắp nơi cũng sẽ dựa theo hình ảnh này để đưa ra ý kiến của họ về tình trạng cơ thể cũng như phỏng đoán cậu thiếu niên làm thế nào mà chịu được thử thách phi thường này. 



Chuyên gia y học của Mỹ cho biết, thận sẽ suy yếu rồi chết trong tình trạng không uống nước 4 ngày, kỷ lục Guinness có ghi nhận một người sống được lâu nhất 18 ngày trong trạng thái không có nước, còn sống được 8 tháng thì tuyệt đối không thể xảy ra. 



Trên thực tế, sau 96 giờ, bằng kĩ thuật tiên tiến, nhóm sản xuất chương trình đã nhận ra rằng cơ thể của cậu thiếu niên không hề xuất hiện những hiện tượng suy kiệt như lời dự đoán của các chuyên gia y học. Nhóm sản xuất chương trình Discovery đã khảo sát thêm những người tụ tập xung quanh gốc cây, họ đều chứng thực rằng Ram không hề giấu bất cứ đồ ăn hay nguồn nước nào trong lúc ngồi thiền. 



Từ đầu đến cuối, Ram chỉ ngồi bất động, không ăn không uống. Trong môi trường từ 5-10 độ C ở đó, thỉnh thoảng Ram còn đổ mồ hôi, có nghĩa là các chức năng sinh lý trong cơ thể hoạt động rất tốt, thậm chí còn tăng nhiệt giống như đang vận động để cơ thể không bị mất nhiệt trong môi trường nhiệt độ thấp. Nhóm sản xuất bị chấn động, người thân của Ram cho hay, trước khi bỏ đi khỏi gia đình, cậu nói rằng sẽ dự định ngồi thiền trong 6 năm. 


Video ngắn trích đoạn cận cảnh Ram ngồi thiền: 

Theo quan sát, vào ban ngày Ram không hề rời khỏi gốc cây, nhưng không ai được phép đến gần cậu. Khoảng từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng, không có ai ở bên cậu cả, chỉ có máy quay ghi hình mà thôi. Có người phỏng đoán Ram ăn uống vào lúc đó, một số những người ủng hộ cho rằng việc tranh luận này là không có ý nghĩa gì cả. 

Tác giả người Mỹ – George Saunders đã quan sát cậu thiếu niên suốt đêm và rất bất ngờ trước việc cậu vẫn giữ tư thế ngồi yên tĩnh ngay ngắn dù đêm lạnh, ông cho rằng khả năng giữ đúng tư thế ngồi suốt đêm dù gió thổi hay thời tiết lạnh lẽo thật sự là siêu nhân. Ông đã ghi lại rất chi tiết cuộc hành trình của mình tại đây. 



Vào tháng 1/2005, 9 nhân viên chính phủ dẫn đầu là Lạt-ma Gandamama đã quan sát suốt 48 giờ và chứng minh rằng cậu bé hoàn toàn không ăn uống bất cứ thứ gì. Một đoạn phim cũng đã chứng minh điều này, thế nhưng họ vẫn không thể đến gần trong khoảng cách 3m. 

Cảnh quay về cậu thiếu niên ngồi thiền trong lửa


Một tuần sau lần khảo sát đầu tiên, nhóm ghi hình quay lại thì được biết vào 8 giờ tối ngày 5/01/2006, có 59 người làm chứng đã tận mắt nhìn thấy có ngọn lửa xuất hiện từ ngực của Ram, sau đó ngọn lửa tự thân đã thiêu rụi bộ quần áo mà Ram mặc gần 8 tháng. Sau đó, cậu đã gọi anh trai và yêu cầu mang đến một chiếc áo choàng màu đỏ. 



Vào buổi tối ngày 18/01/2006, khi Ram đang ngồi thiền, một lần nữa lửa tự thân bỗng nhiên lại xuất hiện và thiêu cháy chiếc áo choàng đỏ chỉ vừa mới mặc vài ngày, cậu chìm trong ngọn lửa nhưng lại hoàn toàn không hề bị thương. 



Lần này có người ghi hình lại, ngọn lửa không hề bị tắt trong suốt nửa giờ đồng hồ, tuy ngọn lửa càng lúc càng yếu, nhưng chỉ đốt một bộ quần áo mà đến những nửa giờ đồng hồ thì thật sự là khó tin. Truyền thông các nơi liên tiếp đến phỏng vấn khiến những nơi gần chỗ Ram ngồi thiền trở nên đông đúc chưa từng có. 

Video Ram ngồi thiền giữa ngọn lửa trong phim tài liệu của kênh Discovery

Các học giả Ấn Độ giải thích rằng cậu thiếu niên này đã nắm được cách tu tập cổ xưa nhất của Phật giáo Tây Tạng. Cách hít thở này có thể làm giảm quá trình trao đổi chất của cơ thể, khiến cho sự hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể giảm xuống thấp nhất. 



Tháng 2/2006 cũng là tròn 9 tháng Ram ngồi thiền dưới gốc cây, một kênh truyền thông đã đưa nhóm bác sĩ đến để tiến hành một cuộc phỏng vấn đặc biệt. Trong lúc phỏng vấn, nhóm bác sĩ quan sát ở cự li 5m, trong nửa giờ đồng hồ cậu bé chỉ hít vào 3 lần, nuốt nước bọt một lần. Điều khiến người ta không hiểu đó là, đã lâu không ăn uống nhưng sắc mặt của cậu vẫn hồng hào, cơ thể cũng không hề có bất cứ hiện tượng lạ nào. Theo phản hồi của nhóm bác sĩ, có rất nhiều người phương Tây cũng trở nên hứng thú với tu luyện Phật gia vì sự việc về cậu thiếu niên này. 



Sau 9 tháng ngồi thiền, cậu thiếu niên biến mất vào ngày 11/3/2006, những người ủng hộ cho rằng cậu đi vào rừng để tìm một nơi yên tĩnh hơn. Những năm về sau, cậu có xuất hiện trước công chúng một vài lần để thuyết giảng và làm dấu ban phước cho những người hành hương… 



Cảnh Ram ngồi thiền dưới gốc cây cổ thụ có thể giống với câu chuyện nổi tiếng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng Ram chưa bao giờ tự nhận mình là Đức Phật. “Hãy bảo mọi người đừng gọi tôi là Phật. Tôi không có năng lượng của Phật. Tôi ở cấp độ của một rinpoche.” (Rinpoche trong phật giáo Tây Tạng là từ kính trọng để chỉ Lạt-ma đắc đạo, chuyển sinh hoặc một người truyền giảng Phật Pháp.) 


Ngọc Trúc tổng hợp 
Share:

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Chuông trống Bát Nhã và ý nghĩa của nó

Trong đạo Phật, tiếng chuông và tiếng trống là hai trong các loại pháp khí đã trở nên quen thuộc, gần gũi với truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng dân tộc của người Việt Nam. Còn từ Bát Nhã tiếng Sanscrit là Prajnà, tiếng Pali là Panna, chữ Hán dịch là Trí tuệ hay Tuệ minh, đó là một loại trí tuệ sáng suốt, thanh tịnh, rỗng lặng, không còn bị chi phối bởi phiền não, ô nhiễm và là trí tuệ đệ nhất.



Tìm hiểu về chuông trống Bát Nhã

Chuông trống Bát Nhã là danh từ dùng để chỉ chuông to, trống lớn, thường chùa có thể xây lầu chuông, gác trống và treo “tả chung, hữu cổ”. Nghĩa là bên trái đặt chuông, bên phải đặt trống.

Hiểu về hai chữ Bát Nhã trong chuông trống Bát Nhã

Bát-nhã Ba-la-mật đó là mầm mống trí tuệ siêu việt, cao tột, thậm thâm vi diệu, vốn sẵn có trong mỗi chúng ta nhưng vì bị vô minh, ái dục che mờ nên chúng ta không tự biết, vì vậy tiếng chuông, tiếng trống là hai thứ tiếng có sức mạnh thúc giục giúp cho chúng ta khai sáng tiềm lực, mở thông trí tuệ, hiện hữu, không gián đoạn.

Tiếng chuông trống Bát-nhã kêu gọi chúng ta thức tỉnh, thôi thúc chúng ta thắp lên ngọn đuốc trí tuệ soi sáng con đường giải thoát.

Chuông là gì?

Nói về chuông thì đây là một loại pháp khí sử dụng riêng ở đạo Phật, được đúc bằng kim loại, phát ra âm thanh vang rền và thanh thoát, thường gọi là đại hồng chung, hình dáng của nó được làm theo các hình tháp hay hình chén rỗng.

Trong Phật giáo, chuông được coi là biểu trưng cho trí tuệ, mỗi khi âm thanh huyền diệu ngân vang thì đó chính là lời triệu gọi làm tỉnh giấc bao tâm hồn đang ngủ say trong  lầm mê và thanh lọc bao cõi lòng của người con Phật.

Tiếng chuông vang dứt trừ vọng hoặc nghiệp trần gian, thông suốt khắp mười phương cõi Niết-bàn, thấu đến cõi địa ngục, u đồ chúng sanh khi nghe thấy liền bớt đau khổ và được giải thoát. Tam đường địa ngục, ngã quỷ, súc sanh cùng bát nạn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, sinh lên cõi trời trường thọ, sinh ở uất đan việt, đuôi diếc câm ngọng, thế trí biện thông, sinh trước Phật và sau Phật đặng tiêu tan. Lại nữa, tiếng chuông thanh thoát của chùa có thể giúp cho loài quỷ đói được nhẹ bớt lòng tham lam, sân, si mà giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

 Trống là gì?

Nói về trống (trống đại) thì đây là một trong những loại nhạc khí được sử dụng rộng rãi  thường làm bằng đá, cây, đồng,… Tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng mà nó có công năng khác nhau nhưng riêng ở Phật giáo tiếng trống tượng trưng cho chánh pháp và là âm thanh truyền tải giai điệu thuần khiết cho đời sống tâm linh và đây cũng chính là một trong những phương tiện để nhắc nhở người con Phật luôn sống bằng lòng chân thật, không giả dối, cảm thông, chia sẽ,… Chúng sanh mỗi khi nghe tiếng trống chánh pháp ấy thì tội chướng được tiêu trừ và cũng nhờ đó mà được giải thoát vào cảnh giới an lạc.

 Ý nghĩa của chuông trống Bát Nhã

Tiếng chuông vang vọng, tiếng trống giục giã đã đánh động biết bao tâm hồn kẻ si mê và khai sáng trí tuệ.

 Một khi trí tuệ và chánh pháp hòa vào nhau thì sẽ tạo âm vang vào lòng người, đánh động lương tri, khơi dậy thiện căn và cũng là ngọn nến thắp sáng lên bóng tối vô minh. Đó cũng chính là lúc con đường giác ngộ được mở thông, sanh trí huệ chăm bón cho hạt giống bồ đề trong tâm thức được tăng trưởng.

 Chuông trống Bát Nhã thường được sử dụng vào dịp nào?

Chuông trống Bát Nhã thường được sử dụng vào những ngày lễ lớn trong năm, ngày sám hối, khóa tu, cung thỉnh các giảng sư, chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức và mở đầu hoặc kết thúc một quyển kinh, riêng ở xã hội phong kiến, chuông trống bát nhã còn được đánh để cung đón vua đến viếng chùa.

Mang công dụng cung thỉnh chư Phật thượng đường chứng minh, cung nghinh chư Tôn thiền Đức quang lâm và đồng thời báo hiệu quý nam nữ Phật tử tập trung về chánh điện, giảng đường,… nhiếp tâm về với chánh niệm. Đây là một nghi thức hành lễ Phật giáo của Trung Hoa du nhập sang Việt Nam.

Cách đánh chuông trống Bát Nhã theo hai miền Nam Bắc

Chuông trống Bát nhã còn là cụm từ dùng để chỉ cách đánh chuông và trống theo bài kệ “Bát Nhã Hội” (theo miền bắc) hoặc “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa” (theo miền nam), về cách đánh thì có sự phân biệt giữa các miền, tuy không thống nhất bằng một cách đánh nhưng nó vẫn cùng mang chung một ý nghĩa đó là cảnh tỉnh mọi người.

 Tiếng chuông hay tiếng trống đó đều là loại pháp khí mang ý nghĩa sâu sắc trong sự tồn tại và phát triển của Phật giáo và mang ý nghĩa tâm linh trong tâm hồn những ai là người con Phật. Hồi chuông, hồi trống vang lên còn ngầm có ý nghĩa là cảnh tỉnh mọi người nên thức tỉnh tu hành tìm về nẻo giác.

Vì thế chuông trống bát nhã rất quan trọng trong thiền môn mỗi khi ngân vang đó còn là lời nhắc nhở cho chúng ta trang bị hành trang trí huệ trên lộ trình giải thoát.
Share:
Blogger Tips And TricksLatest Tips For BloggersLatest Tips and Tricks
Loading...

Tổng số lượt xem trang

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Recent Comment

Like us on Facebook
Follow us on Twitter
Recommend us on Google Plus
Subscribe me on RSS
Blogger Widgets