Hôm nay là khóa tu niệm Phật lần 61 tại thiền viện Thiện Minh, còn 1 tháng nữa là tết năm 2016- Bính Thân. Thế là chúng ta đã trãi qua được 61 ngày tu, tức là 61 tháng. Đó là thành quả của Tăng Ni và Phật tử của chúng ta gặt hái được tại thiền viện Thiện Minh. Đây quả thật là nơi vùng đất nhà quê, xa xôi hẻo lánh mà có được 1 đạo tràng tu niệm Phật, một tổ chức tín ngưỡng tôn giáo hợp pháp để bà con Phật tử đến đây tu thiền niệm Phật là một điều vô cùng quý giá. Hình thức này là chúng ta áp dụng hoằng pháp vùng sâu vùng xa theo chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Hoằng pháp Trung Ương.
Hình thức Thiền niệm Phật là giúp tâm ta được tập trung, an trú trong sự an lạc và bớt đi thị phi trong cuộc đời. Nếu ta không niệm Phật thì nhàn cư vi bất thiện, tâm ta thị phi nhiều hơn, nghĩ việc bất thiện nhiều hơn. Và thêm nữa, thiền niệm Phật là để tâm hồn chúng ta thanh thản, giúp nội tâm được vững chãi hơn và được an lạc. Muốn Tâm được vững chãi thì công phu thiền tập nhiều. Nên có câu thơ:
“Bớt đi lời nói thị phi,
Bớt đi tội lỗi sân si đau buồn.
Thêm câu niệm Phật nhiều hơn,
Phước điền thêm lớn, tâm hồn thêm vui”.
Lời thơ đơn giản nhưng nhắc nhở ta phải bớt đi thị phi, tăng thêm câu niệm Phật. Nếu ta bớt đi chuyện thị phi thì ta sẽ bớt đi những sân si đau buồn, vì ta càng thị phi nhiều thì cũng không lợi ích bao nhiêu. Mặt khác, càng thị phi nhiều càng phiền não, càng đau khổ nhiều. Và người con Phật chúng ta phải biết quý trọng điều đó, phải nghĩ điều lợi ích nên ta phải thêm lời niệm Phật trong tâm thật nhiều. Tâm chúng ta phải luôn luôn có sự tỉnh giác, có được chánh niệm. Sự tỉnh giác và chánh niệm là món quà giúp chúng ta niệm Phật tốt hơn. Thêm câu niệm Phật có nghĩa là thêm nhiều phước đức hơn, thêm câu niệm Phật là tâm hồn thêm vui. Niệm Phật là 1 phương pháp để chúng ta huân tập thiện pháp, niệm Phật gia tăng phước điền, niệm Phật tâm hồn thêm an vui, tự tại giữa đời thường. Vì vậy, quý vị niệm Phật nhiều thì tâm vui, tâm mát, tâm nhẹ nhàng; còn tâm mình thị phi thì thêm đau khổ.
Cho nên, hôm nay, chúng tôi giảng đề tài chánh nghiệp trong tu tập.
Nếu chúng ta tu thiền niệm phật mà nghề nghiệp không đúng pháp, ảnh hưởng không nhỏ trong việc tiến bộ đường tu. Đề tài này nhằm mục đích là giới thiệu những nghề nghiệp đúng theo kinh điển đức Phật đã dạy hơn 25 thế kỷ. Giúp người Phật tử chọn cho mình nghề nghiệp sống đúng theo chánh pháp.
Thường thường, khi chúng ta khai lý lịch thì có mục nghề nghiệp. Ai cũng có nghề, còn thầy Minh Đạt và chúng tôi khai nghề nghiệp là tu sĩ. Có người đề là kỹ sư, nội trợ, có người đề làm ruộng, làm vườn, v.vv... Tất cả chúng ta, mỗi người đều có nghề, ngay cả người tu cũng có nghề là tu sĩ. Và đề tài về chánh nghiệp là Đức Phật dạy mình làm những nghề đúng chánh pháp, nghề đó huân tập cho mình có lòng từ bi nhiều hơn và bớt gây những ác nghiệp. Cho nên, quý vị thấy trong bát chánh đạo thì 8 chánh đạo là tinh hoa Phật giáo và lời dạy của Đức Phật trong suốt 45 năm dường như nằm trọn vẹn trong 8 chánh đạo. Thời xưa, vào giờ phút Ngài tịch diệt, có vị đệ tử vào vấn đạo với Đức Phật.
Vị đó hỏi: Bạch Đức Thế Tôn, trên thế gian này có rất nhiều đạo, có nhiều tôn giáo, có nhiều giáo chủ, mà mỗi tôn giáo, mỗi vị giáo chủ đều ca ngợi bổn sư của mình, ca ngợi pháp môn của mình học, cho rằng bổn sư của họ, pháp môn của họ là tốt, là hay, là quý trọng. Như vậy làm sao mình biết là tôn giáo đó tu đúng, học thuyết đó là đúng?
Đức Phật trả lời: Này đệ tử, ở nơi nào mà Thiện nam, Tín nữ có thực hành tu tập giáo pháp bát chánh thì ở nơi đó có đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ sa môn. Đệ nhất sa môn là bậc tu-đà-hườn, đệ nhị là Tư-đà-hàm, đệ tam là A-na-hàm, đệ tứ là A-la-hán. Qua câu trả lời của Đức Phật thì ta thấy tầm quan trọng của bát chánh đạo. Đồng thời, qua lời dạy của Đức Phật, ta thấy Đức Phật trả lời rất tế nhị, ngài cũng không đụng chạm tôn giáo nào, tín ngưỡng nào và pháp môn nào, Ngài chỉ nói ở nơi nào có hành tu tập pháp môn bát chánh đạo thì có bậc thánh, có chánh pháp, nơi nào không thực hành bát chánh đạo thì không có bậc thánh, không có chánh pháp. Như vậy, bát chánh đạo là gì? Nó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Trong bát chánh đạo có chia ra làm 3 phần là giới, định, tuệ. Giới là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Định là chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Tuệ là chánh kiến và chánh tư duy. Như vậy, chánh nghiệp trong bát chánh đạo nằm ở phần giới. Chánh nghiệp có nghĩa là nghề nghiệp chân chánh mà trong tăng chi bộ kinh Đức Phật dạy có 5 nghề mà người cư sĩ tại gia không nên hành, nếu mình hành 5 nghề này thì xem như không hợp pháp, không có chánh mạng, hành 5 nghề này thì không có từ bi hỷ xả, tạo nhiều ác nghiệp. Một là, buôn bán khí giới, hai là, buôn bán chúng sinh, ba là, buôn bán thịt sống, bốn là, buôn bán chất say, năm là, buôn bán thuốc độc. Đó là 5 nghề mà Đức Phật dạy trong Tăng chi là bộ kinh cổ nhất trong truyền thống Phật giáo. 5 nghề này, nếu người Phật tử nào đang kinh doanh, đang làm ăn, nhận thấy không phù hợp thì ta nên thay đổi những nghề này, Đức Phật dạy, nếu ta làm thì không có tâm từ bi hỷ xả, và ta lại tạo nghiệp rất lớn và sẽ gây ác nghiệp rất nhiều. Dù cho nghề này có nhiều tiền đi nữa, lợi nhuận cao thì người Phật tử chúng ta tự cho rằng đây là nghề không chân chánh nên chúng ta phải tìm cách thay đổi.
Tại sao Đức Phật dạy không buôn bán khí giới?
Quý vị thấy nghề này, hiện nay, những nước cường quốc trên thế giới đang làm giàu bằng nghề này. Xã hội Hoa Kỳ là quốc gia giàu có, phú cường là nhờ thu thuế, du lịch và buôn bán vũ khí. Thì như vậy, buôn bán khí giới cũng là 1 nghề của những nước cường quốc. Ở những quốc gia trên thế giới này có những cửa hàng bán vũ khí. Cho nên, họ buôn bán kinh doanh nghề này dù cho có lợi nhuận cao, có tiền nhiều nhưng xem như là nghề nghiệp không chân chánh, vì nghề này đe dọa tánh mạng của người khác, làm cho tâm con người không hiền thiện và mình tiếp xúc với vũ khí nhiều quá làm tâm của mình cũng ô nhiễm. Đây là 1 loại khí giới nên Đức Phật dạy mình phải xa lánh, nghề này mình không nên tiếp xúc, không nên phát triển. Mình bán khí giới cũng là hình thức tiếp tay cho những người làm đổ máu nhân loại. Mình làm nghề bán vũ khí cũng là nghề giết người. Ở đất nước ta thì người dân không được sử dụng súng đạn, còn 1 số quốc gia như Âu Mỹ lại bán vũ khí tự do, ai có tiền được phép mua để bảo vệ mình. Nhưng thống kê hàng năm, những quốc gia buôn bán vũ khí tự do để người dân sử dụng thì đa phần có người chết bằng sung đạn lại quá nhiều. Vợ chồng mua vũ khí súng đạn về để tự vệ cho mình khi có tội phạm nhưng không thấy tội phạm đến mà khi họ giận hờn, ghen tuông, bực dọc nhau thì lấy súng bắn nhau. Cái này xảy ra ở xã hội tây phương rất nhiều. Tại sao? Vì con người mình có bản chất là tham, sân, si, mà giận hờn nổi lên, tức tối nổi lên thì có gì phang cái đó, có ly phang ly, có chén phang chén, có dao múa dao; tiếc là mình không có súng, còn tây có súng thì bắn nhau luôn. Cho nên, tự vệ thấy hiệu quả cao như thế nào không biết nhưng có nhiều vợ chồng chết vì súng đạn khi giận dữ nhau. Họ có quyền mua súng săn bắn để tiêu khiển vui thú nhưng lại bắn lẫn nhau khi ghen tuông. Vì chúng ta khi giận dữ, ghen tức, bực dọc thì không đủ bình tỉnh, sáng suốt nên dẫn đến hệ quả to tát, hậu quả không lường.
Lại nữa, đa số người sống ở tây phương cướp giựt cũng bằng súng. Mỗi năm như vậy, những người da đen, tội phạm cướp bóc, giựt dọc, khống chế bằng súng nên chết không biết bao nhiêu mạng người. Dường như xã hội phương tây hằng năm có người chết vì vũ khí, tự sát, vì tham sân si bắn lẫn nhau, bắn người khác để cướp của tăng lên con số nhiều hơn quốc gia đang bị chiến tranh. Và chưa kể đến người có quyền lực mà sử dụng vũ khí này làm nghề buôn bán để làm giàu, để tạo nên thứ gọi là thế lực trong xã hội. Đức Phật là 1 người trí tuệ, 1 vị có lòng từ bi, nhìn xa trông rộng, thấy đây là nghề nguy hại cho nhân loại và là nghề gọi là phi nhân bản. Và điều xa hơn nữa, trong Phật giáo, Đức Phật nói là có 2 loại trí tuệ. 1 là trí tuệ thông thường, đó là nghĩ ra cách chế vũ khí. Người nghĩ ra như vậy cũng là trí tuệ nhưng trí đó không được tán thán, ca ngợi mà Ngài ca ngợi người tu tập phát huy trí tuệ, mà trí đó tin nhân quả nghiệp báo, hướng giải thoát, chấm dứt sanh tử luân hồi thì đó mới là trí tuệ đáng giá. Quý vị thấy có những người có trí rất phi thường. Trong chiến tranh, Mỹ có loại mìn tên claymore, mìn đó nổ vang ghê gớm lắm nên sau này ai nói nhiều, 8 nhiều thì người ta nói là mìn claymore. Thời thập niên 90, đó thì Mỹ chế loại mìn gọi là tô-ma-hóc, loại mìn này, khi thành phẩm của nó lại là do tổ trưởng là người Việt Nam ta, người Việt Nam sống tại Hoa Kỳ. Mìn này có công phá là khi họ thả trái mìn này xuống, lún 5m đi luồn luồn và khi bắt hơi người thì mới nổ, nên người nào ở dưới lòng đất, nơi có hầm thì mìn này công phá hết. Từ đó, ta thấy con người chúng ta dữ dội quá. Và quân đội Việt Nam chúng ta sang Cam-phu-chia vào năm 1979 giúp nước bạn thì Việt Nam có nhiều thương phế binh thời đó. Sở dĩ có nhiều vì ta bị mìn con cóc, mìn này do Trung Quốc sáng tạo ra. Mình thấy về nhân bản thì mìn này độc hại quá, khi nổ thì không chết mà chỉ cụt tay, cụt chân. Người mà nghiên cứu ra cái này thì tính độc ác cao. Trong chiến tranh, chết thì lấy xác, còn đây không chết mà cụt tay chân thì đồng đội khiêng về cực khổ, sau này là gánh nặng cho người thân và xã hội. Người có trí mà nghiên cứu chế tạo ra vũ khí cũng là trí tuệ nhưng là ác tuệ đe dọa mạng sống cho con người. Nghề buôn bán vũ khí này là nghề không có chánh mạng. Cho nên, Đức Phật dạy người Phật tử không nên hành nghề buôn bán vũ khí và chế tạo vũ khí. Nếu chúng ta không hành theo thì quả báo vô khốc liệt cho kiếp này và kiếp sau.
2 là, Đức Phật dạy chánh mạng là không được buôn bán chúng sanh.
Buôn bán chúng sanh có nghĩa là mình nuôi và buôn bán sự sống chúng sanh, chẳng hạn mình nuôi gà, vịt, heo, tôm, v.v… nên những nghề đó cũng không lành mạnh. Cố nhiên mỗi người chúng ta phải có nghề, có những người có nghề giết mổ, và có những người mỗi đêm phải giết mổ 50 con heo hay 100 con gà, và cái nghề giết mổ chúng sanh này cũng là 1 hình thức bất thiện pháp, nghề nghiệp không chánh mạng. Chúng ta sống ở nông thôn thì việc nuôi heo, gà, vịt, tôm, trâu là chuyện bình thường mà đời sống nông dân nhờ nuôi những thứ đó để sống, nuôi để gia đình ổn định. Nhưng mà chúng tôi nhắc lại nghề này không hợp pháp để mỗi người chúng ta cảnh tỉnh. Nếu ta có nghề này thì mình vẫn tiếp tục làm nhưng phải hiểu là không chân chánh để cố gắng thay đổi, chứ tôi hỏi quý vị ở miền quê thế này mà mình không nuôi thì dưới này lấy gì làm ăn, vì đời sống ở đây từ khi cha sanh mẹ đẻ đã vậy rồi, nếu giờ mình về kêu họ phóng sanh thì phóng sanh ở đâu, phóng sanh con chó mèo, hay đang nuôi đầm tôm thì phóng sanh cái gì. Nghề nào cứ giữ nghề đó nhưng mỗi người chúng ta biết rằng nếu chúng ta làm nghề nuôi tôm, gà, vịt, heo, trâu, bò thì đó là do bất đắc dĩ và do nghiệp lực mình gây ra, do mình tạo, biết là bất thiện nên tìm cách thay đổi. Giờ mình khá giả rồi, trước nuôi 50 con, giờ giảm 8 con, rồi sau này bỏ luôn đổi qua nghề khác. Chúng tôi có quen 1 ông sư thầy, ổng có quen người đệ tử dưới Long An, người ta xin quy y, ổng nói quy y thì trong nhà không được nuôi heo gà. Người ta nói giờ lỡ nuôi thì sao? Ổng nói thì đi phóng sanh. Thầy trò thuê xe chở heo, gà đi phóng sanh. Chúng tôi hỏi phóng ở đâu, ổng nói lên láng le Bàu Cò phóng sanh. Câu chuyện này có thiệt. Chúng tôi nghĩ ở đó là nơi trồng bạch đàn, mía, thơm, mà con heo trong gia đình nuôi mà thả vô đó thì phóng sanh hay sát sanh. Con heo mà thả vô vùng đó chắc chắn không có gì ăn thì chết, hai nữa là nếu gặp người ở đồn điền thì chắc chắn thành heo quay. Cho nên, 2 người này tâm thì tốt đó nhưng việc làm không trí tuệ. Phóng sanh là tốt nhưng phải phóng ở đâu để bảo đảm cho nó tiếp tục sống được. Điều thứ 2 này, quý vị thấy Phật dạy những người Phật tử không được buôn bán chúng sanh. Ở đây là không được bán gà, vịt, heo v.v… và chúng sanh đây cũng có nghĩa là không được bán người. Có người bán người đi qua quốc gia khác cũng là buôn bán chúng sanh đó.
Nghề thứ 3, Đức Phật dạy là không được bán thịt sống.
Thịt sống là thịt mới giết mỗ để cung ứng cho người tiêu dùng. Vì mình buôn bán thịt sống thì mình sẽ tiếp cận với máu nhiều hơn thì tâm mình sẽ trở nên độc ác, hung dữ hơn và vì vậy mà Đức Phật dạy là cấm buôn bán thịt sống. Bán thịt sống cũng là hình thức liên hệ sự giết mỗ. Thân khẩu ý bất tịnh. Thông thường, người bán thịt sống, người vợ bán thì chồng giết mỗ, hoặc mua lại bán nên gọi là thân bất tịnh; Người bán thịt sống tâm tánh bất thường, lời nói hung dữ, không có vẻ từ bi hỷ xả; Ý ô nhiễm bởi mỗi ngày tiếp xúc với máu, chúng sanh bị giết mỗ.
Trong nhà Phật, kinh điển có đề cập đến danh từ “ Thường cận y duyên”tức là hành động lập lập lại, thói quen thường biểu lộ qua oai nghi. Ví dụ, kiếp trước ta là khỉ tái sanh lại, thì kiếp này oai nghi chúng ta có phần hơi giống khỉ. Buôn bán thịt sống là một nghề, chúng ta tiếp cận mỗi ngày, dần dần sẽ huân tập bất thiện, tam nghiệp ô nhiễm, nghiệp quả mỗi ngày them chồng chất.
Quả báo người buôn bán thịt sống, dù có lợi nhuận cao nhưng không giàu sang quý phái, thường bịnh hoạn và tuổi thọ ngắn.
Nghề thứ 4 là buôn bán chất say tức là rượu bia, ma túy.
Bây giờ mình bán rượu bia cũng là nghề không lành mạnh, không chánh mạng. Mình bán rồi ông chồng nhậu say, vợ chồng đánh lộn, mắng vốn mình rồi sao. Quý vị biết rượu bia là loại vũ khí giết người từng giờ từng phút từng giây. Mình uống nhiều rượu bia thì sẽ bị hư tế bào mình, cụ thể là hư bộ não của chúng ta. Mà con người quý nhờ bộ não, nếu bộ não hư, bộ não bịnh thì trở thành người có xác mà không có hồn, có thân mà không có tâm. Quý vị thấy những người khùng điên ở trong bịnh viện tâm thần ở Việt Nam nhiều lắm. Sở dĩ khùng điên là có nhiều lý do: thất tình, phá sản, uống rượu bịnh nhiều, nghiệp lực, v.v... Chúng tôi có vô những trung tâm thăm và tặng quà cho những người bịnh tâm thần. Ở gần chùa Bửu Quang có bịnh viện tâm thần Thủ Đức có 1200 người, nam nữ có đủ và thành phần điên khùng đủ thể loại, già có, trẻ có, rồi có những người điên khùng gặp chúng tôi họ mới nói là: thầy ơi thầy, thầy xem cho con ngày tốt hay xấu để con xuất viện. Mình biết bà này hay đi thầy bà chuộc bùa ngãi thư ếm, sống trong hoang tưởng nên giờ khùng cũng nhớ vụ đó. Có những cô gái nói thầy ơi thầy về nói chồng con bảo lãnh con ra, con hết bịnh rồi. Có người nói, nhờ thầy nhắn dùm bạn trai con đến chở con về, con sắp xuất viện rồi. Có người gặp mình hỏi thầy ơi, con ngồi thiền con bay lên con đắc thiền rồi. Nghe câu này thấy là dân mình đó, đậu hủ đó. Tất cả trạng thái tâm lý con người bị khủng hoảng, từ khủng hoảng mà mình không khắc phục chuyển hóa được thì dẫn đến tình trạng mất trí, ba lơn, mát dây, khùng, rồi dẫn qua điên. Điên thì quá cao rồi. Khùng, ba lơn, ba trợn, mát dây thì ai cũng có, nhưng điên thì phải có giấy của bịnh viện, cho nên, mình đừng nói ai điên vì nó nặng lắm. Mình giận mình chửi thì nói mày mát dây hả, vậy đủ rồi. Nhưng tất cả những trạng thái tâm lý con người bất thường như vậy là do 2 lý do. Lý do gần nhất do rượu bia tàn phá hệ tuần hoàn, bộ não chúng ta dẫn đến mất trí, tâm mình không sáng như những người khác. Và thứ 2, Đức Phật nói là do nghiệp lực. Nghiệp lực có nghĩa là mình từng làm nghề buôn bán chất say, do nghề mình sống không lành mạnh, cung ứng cho những người mua những chất say này uống làm cho gia đình mất hạnh phúc, làm trí nhớ lụi dần theo ngày tháng nên tạo nghiệp hoặc là người này lại làm những nhân bất thiện chửi mắng bậc xuất gia, cha mẹ, hãm hại sa môn, bà la môn, những người có đạo đức lương thiện và họ tạo ác nghiệp do cuồng phong bão tố trận giặc lòng nào mà họ đốt kinh sách, chùa chiền, xúc phạm hệ thống giáo dục, hệ thống xã hội có trí thức. Cho nên, do những nghiệp xấu họ tạo ra nên khi sanh làm người thì trí óc không lành mạnh, không trong sạch. Vì vậy, Đức Phật dạy không bán chất say.
Thứ 5, Đức Phật dạy không bán thuốc độc.
Thuốc độc hại như là thuốc trừ sâu, trừ rầy, phá thai, v.v… những loại chất độc dẫn đến chúng sanh chết. Chẳng hạn miền quê chúng ta sống bằng nghề nông, làm vườn mà nếu không sử dụng chất độc này thì ruộng vườn không tồn tại, ngay cả người trồng bông kiểng mà không sử dụng thì cũng không tốt cho cây. Trong giới luật, Đức Phật cấm vị tỳ kheo trực tiếp trồng bông kiểng, cắt cây, nhổ cỏ, khạc nhổ trong nước. Từ những lời dạy của Đức Phật cho chúng ta thấy tính nhân bản đạo đức mà Ngài muốn bản thân Ngài, giáo đoàn Ngài phát huy trí tuệ, lòng từ bi cao. Nếu Ngài cho tỳ kheo trồng bông kiểng thì đương nhiên sẽ xịt chất này cho cây tốt. Quý vị biết trên cây biết bao nhiều loài chúng sanh sống trên đó, mình vì bảo vệ cái cây mà xịt thì bên cạnh đó có nhiều sinh linh chết. Cho nên, Đức Phật cấm bán chất độc. Cố nhiên là cái gì cũng có 2 mặt, nhưng mỗi nghề chúng ta làm thì phải có 1 cái phước đức, những nghề gì mình làm mà có lợi ích cho cộng đồng đa số, tiến bộ trên Phật pháp, còn những nghề chánh mạng thì càng phát huy.
Như vậy, người cư sĩ tại gia có 5 nghề này thì nên xa lánh vì không có tính nhân bản, không có đạo đức và gây nhiều ác nghiệp cho chính mình.
Tính Nhân Bản Trong Việc Chọn Nghề Để Làm Ăn
Người Phật tử chúng ta phải hướng đến dòng chảy tâm linh giả thoát. Trong nhà Phật, Đức Phật dạy từ Sanh y (upathi). Trong sanh y có tham sanh y, sân sanh y, si sanh y, thiền sanh y, v.v… có nghĩa là tâm mình như thế nào thì mình sanh y thế đó. Nếu hằng ngày trong đời sống tâm từ nhiều thì sau khi thân hoại mạng chung, mình sẽ tái sanh cõi đó. Đức Phật dạy người nào có tâm tham nhiều thì sanh y thành ngạ quỷ, sân nhiều nữa chết thành atula, si nhiều thì sanh vào địa ngục, súc sinh, người có tâm thí, giới, thiền thì sanh làm người hoặc trời. Đó là sanh y. Cho nên, tâm chúng ta như thế nào thì sanh y thế đó. Một người mà suốt đời quanh năm suốt tháng vì tâm tham, chỉ biết cuộc sống của họ, gia đình của họ, suốt ngày chỉ quần quật trong nghề nghiệp cho đến chết, họ cũng không đi chùa, không niệm Phật không làm lành lánh dữ thì người mang tâm trạng như vậy chắc chắn chết sẽ sa đọa vì tâm nhận thức của họ không có, họ nghĩ là con người sống tại vì họ nghĩ rằng suy nghĩ của họ là đúng nên họ nghĩ họ phải làm cho cuộc sống của họ, họ nghĩ cho gia đình của họ mà không nghĩ tâm linh của họ, không nghĩ có đời sau, nghiệp quả. Họ không tin nghiệp quả, họ nghi chết là hết, nên chỉ biết hiện tại, không làm lành lãnh dữ, không tạo phước điền. Chúng ta là người Phật tử có tin nhân quả nghiệp báo, quý vị ngồi đây là quý vị có tin, mà mình đi chùa quanh năm, suốt tháng mà tin nhân quả nghiệp báo thì cực quý, hiểu được pháp mầu, tin rồi sợ những nhân bất thiện mình tạo, mình nghĩ rằng mỗi người chúng ta có phước mà phước đó không ở nơi cầu nguyện van xin mà do phước do làm, không làm không có. Chính phước đó theo mình như bóng với hình, chứ bây giờ mà mình lỡ làm ai dám bỏ, bỏ thì gia đình thế nào, nhưng nếu người biết tin nhân quả nghiệp báo thì nghĩ dù cho mình sống nghề này giàu tới đâu đi nữa thì mình chết có mang theo được không, mình có giàu cách mấy mà khi bịnh thì cũng không đủ tiền trả tiền bác sĩ nữa, nếu sống bằng nghề không lương thiện, bất chánh thì nhiều họa đến với mình lắm. Quý vị thấy người buôn bán chúng sinh, làm nghề nhà hàng, 1 ngày tiêu thị giết mổ nhiều thì đến lúc nào đó họ chết rất đau khổ, sự chết của họ sẽ lụn tàn theo ngày tháng, hành hạ thân xác và những người xung quanh. Hành động đó rồi chết thì sa đọa, tay chân tứ chi tê liệt. Người Phật tử chúng ta phải hiểu được điều đó, tin nhân quả nghiệp báo thì mạnh dạn bỏ, mạnh dạn bỏ hay nếu không thay đổi được thì bớt đi. Mà nghĩ mình làm cho số đông, cho gia đình, cho tất cả nhưng nghiệp quả đó mình tạo nên. “Ta đi theo nghiệp của ta, dù cho tốt xấu tạo ra tại mình”. Nếu nghiệp xấu mình tạo thì theo mình như hình với bóng, cuối cùng không thoát được, ác nghiệp đó, người Phật tử tin tội phước, nghiệp báo thì mạnh dạn ngồi thiền niệm Phật, làm phước. Tất cả là mình đang tạo công đức. Hãy nhớ câu thơ của Loan Huỳnh: Hãy sống bằng cái tâm, đừng sống bằng cái miệng, hãy nhìn vào bản thân mình, đừng nhìn vào người khác, hãy làm những việc lành, đừng làm những điều ác, hãy tặng người niềm vui, đừng cho mình những nỗi buồn. Người Phật tử chân chánh chúng ta là phải thể hiện những hạnh đó và làm thiện sự đó để gieo trồng công đức, còn cả cuộc đời ta là phù du giả tạm, mình sẽ già, sẽ bịnh, sẽ chết. Già, bịnh, chết theo ta như bóng với hình. Người thân, bạn hữu nhiều nhưng khi ta chết thì tay trắng mà thôi, ta chỉ mang theo nghiệp xấu hay thiện đã tạo. Cho nên, mình phải huân tập nhiều việc tốt, điều thiện để có phước thiện, làm đẹp cho tâm linh của chúng ta, chứ hằng ngày tiếp xúc chúng sanh, tiếp xúc với chất độc, chất say nhiều quá rồi giờ phút cận tử không nhớ Phật mà nhớ những điều bất thiện đó. Chẳng hạn minh tin nhân quả nghiệp báo thì dành nhiều thời gian tu tập công phu bái sám ngồi thiền chứ bây giờ mình bỏ nhà đi tu mà nuôi chó nhiều quá, suốt thời gian dành cho chó nhiều hơn thời gian công phu, không phải nuôi chó là xấu mà mình phải hiểu lợi ích của nó, chứ hằng ngày chăm chó nhiều quá thì lúc chết không nhớ Phật mà nhớ cho thì sanh thú ở đâu. Cho nên, người Phật tử tin nhân quả nghiệp báo thì phải làm thiện nhiều. Tất cả chúng ta là vì tiền, kiếm nghề nghiệp để có lợi nhuận nhiều, tiền nhiều nhưng đừng vì tiền mà đánh mất hạnh phúc của mình. Đồng tiền là phương tiện, nhu cầu cần thiết để ta sống nhưng không vì đồng tiền mà đánh mất danh dự của mình thành ra đảo điên.
Kết Luận
Hôm nay, khóa tu niệm phật lần 61, vì thời gian bị cúp điện làm mất thời gian quá nhiều, nên chúng tôi thuyết bài pháp tới đây cũng vừa phải lẽ. Trong đề tài này, chúng tôi trình bày cho quý vị thấy rằng Đức Phật dạy có 5 nghề mà người cư sĩ tại gia không nên hành: buôn bán khí giới, buôn bán chúng sinh, buôn bán thịt sống, buôn bán chất say, buôn bán thuốc độc; nếu mình hành 5 nghề này thì xem như không hợp pháp, không có chánh mạng, hành 5 nghề này thì không có từ bi hỷ xả, tạo nhiều ác nghiệp. Người làm 5 nghề này thì thân tâm không an lạc. Mong rằng thời pháp này đem lại cho quý vị nhiều lợi lạc và quý vị suy nghĩ chọn cái nghề để huân tập tâm từ bi hỷ xả nhiều và thiện nghiệp vững chãi trong sanh tử luân hồi. Cuối cùng cầu nguyện Giáo pháp, chư thiên gia hộ cho quý vị thân tâm thường an lạc thuận duyên trong cuộc sống.
NAM MÔ PHẬT PHÁP TĂNG TAM BẢO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét