Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Ngày Tết Đọc Một Số Câu Đối Tiêu Biểu Nơi Các Chùa, Tháp

Thiền học và văn học Việt Nam đã gặp gỡ rất sớm và đã tạo được những thành tựu đáng kể, cả trong văn học chữ Hán, văn học chữ nôm và câu đối.
Bài viết này, xin bước đầu bàn về giá trị văn học và Thiền học của một số câu đối có giá trị nơi các chùa, tháp.
1. Lê Quý Đôn (1726-1784) có lẽ là vị học giả đầu tiên của Việt Nam đã chú ý đến giá trị văn học của câu đối, kể cả các câu đối nơi cửa Thiền. Sách "Kiến văn tiểu lục" của ông cho thấy, trong chuyến đi sứ Trung Hoa năm 1760-1762, ông đã chép được khá nhiều câu đối có giá trị ở nhiều nơi, ở các ngôi chùa Thê Hà, Tương Sơn, Báo Ân.

Chẳng hạn đây là câu đối nơi nhà "Tinh Tuệ" sau chùa Thê Hà :
"Pháp vũ sái không đình, Hoảng hốt chung thinh giai khuyết kệ
Tông phong nhiễu tĩnh thất, phân minh đăng ảnh tự chiêu hoa."
(Pháp vũ dưới sân quang, thánh thót tiếng chim đều niệm kệ.
Tông phong quanh nhà tĩnh, rõ ràng bóng sáp tự sinh hoa).
(Kiến văn tiểu lục, Phạm Trọng Điểm dịch, nhà xb KHXH, H, 1877, t245-246)
Hình ảnh, âm thanh trong câu đối trên vốn không xa lạ nhưng chúng được nối kết một cách hài hòa trên cái mặt Thiền học để tạo nên sức khơi gợi đáng kể.
2. Một điều khá thú vị, là nếu trong thời gian 1760-1762, Quế Đường tiên sinh đã dùng nhiều thì giờ đi sứ của mình để ghi lại nhiều câu đối của xứ người, thì vào năm 1695, tức là trước đấy gần 70 năm, một vị Thiền sư Trung Hoa nổi danh là Thạch Liêm (1633-1704) đã sang thăm Đại Việt theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), không chỉ sáng tác thơ văn viết về phong cảnh cùng chùa chiền ở kinh đô Thuận Hóa và quanh miền, mà còn sáng tác nhiều câu đối nữa, tất cả đều được ghi lại trong sách Hải ngoại ký sự, một tập bút ký có nhiều giá trị về văn học và sử liệu. Xin giới thiệu câu đối được dán trước Đại Giới Đàn chùa Thiền Lâm (1695) tiêu biểu cho quan điểm dung hợp Phật - Nho của Thiền sư, đã có ảnh hưởng rất đáng kể đến đường lối trị nước của chùa Nguyễn Phúc Chu :
"Thích thị trì luật, nho giả lý trung, tổng yếu tu thân thành ý, tự nhiên kính trực hồ nội, nghĩa phương hồ ngoại.
Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đồng qui kiến tánh minh tâm, đoan do giới thận bất đổ, khủng cụ bất văn."
(Cửa Phật giới luật, nhà Nho trung dung, chỉ cốt thành ý chính tâm, tự nhiên ngoài có nghĩa phương trong có chính trực ;
Quân tử cơ vi, Thiền sư nhập định, đều để minh tâm kiến tánh, bởi vì răn chỗ chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe).
(Hải ngoại ký sự, bd của Viện ĐH Huế, 1963, tr 73-74)
3. Chịu ảnh hưởng nhiều ở bổn sư mình là Thiền sư Thạch Liêm, chúa Nguyễn Phúc Chu đã có sự quan tâm hỗ trợ nhiều về tinh thần đối với các ngôi Tổ Đình bằng cách sắc phong, ban cho liễn đối, hoành... Đây là một trong hai câu đối chúa đã ban cho chùa Quốc Ân (Thuận Hóa), một tổ đình do Thiền sư Nguyên Thiều sáng lập :
"Bát bảo xán kim lương, hiển nhật lâm quang, tiện hữu nhân hữu cảnh;
Ngũ vân sinh ngọc đống, xuân quang triển tọa, hỷ bất tức bất ly."

(Bát bảo rực rường vàng, vầng nhật chiếu thiền môn, mến được có người có cảnh ;
Năm mây ngời cột ngọc, ánh xuân soi bảo tọa, vui thay không mất không xa).
(Nguyễn Quảng Tuân dịch, Những ngôi chùa sanh tiếng, Viện NC Phật học VN, Nhà xb Trẻ xb, 1990, tr 118).
Còn đây là câu đối ở Chánh điện chùa Thập Tháp (Bình Định), cũng của chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng :
"Phật tính viên dung, trạm nhược hư không, mạc năng trắc kỳ biên tế ;
Pháp thân vô tướng, cảo như hao nhật, thục cảm nghĩ kỳ cao minh." 
(Phật tính tròn đầy, trong trẻo tựa hư không, khó lường được giới mốc ;
Pháp thân vô tướng, sáng như mặt trời hiện, đâu dám chuyện nghĩ bàn)
(Thái Hòa dịch)
Chỉ với hai câu đối này, chúng ta cũng đủ thấy kiến thức Phật học của tác giả rất vững. Ở câu đối sau, vấn đề được đề cập một cách trực tiếp thông qua sự so sánh, cũng ví như thể Phú và thể Tỷ trong kết cấu một hiện cảnh, vừa ca ngợi cảnh đẹp của cửa Thiền, cũng là gián tiếp ca ngợi cùng bày tỏ ước vọng về sự hưng thịnh của đạo pháp. Hầu như cái khó và cái thành công ở câu đối là sự phát hiện và kết hợp trên một mặt bằng thiền học và văn học để tạo được sức khơi gợi lớn. Phải nói rằng với câu đối vừa bàn, sự kết hợp đã có nhưng sức khơi gợi còn yếu.
4. Nhắc đến câu đối nơi chánh điện chùa Thập Tháp thì cũng nên nhắc tới câu đối nơi cổng chùa (mặt trước), tác giả là Hòa Thượng Bích Liên (1876-1950), một bậc danh tăng của Phật giáo Việt Nam tiền bán thế kỷ 20, từng là chủ bút tạp chí Từ Bi Âm (1932) cơ quan hoằng Pháp của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học.
Câu đối như sau :
"Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn;
Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong."
(Mây trắng lững lờ vương núi biếc
Khóa vàng buông mở dưới trăng trong)
          (HT Kế Châu dịch)
Câu đối mới đọc qua tưởng chừng chỉ là một sự ghi nhận về cảnh sắc, nhưng thật ra đã hàm chứa một sức khơi gợi rất lớn về Thiền học : đó là diệu lý hành nhi vô hành. Nếu ở câu thơ của Giả Đạo (758-843) "Tăng xao nguyệt hạ môn" còn có người, có hành động, thì ở đây người đã vắng, hành động không còn, nhưng chiếc khóa vàng vẫn buông mở. Và như thế là sức khơi gợi của nóa đã có thể đi về hai ngả : ngả một : cửa chùa luôn mở rộng đối với bất cứ ai trong bất cứ thời điểm nào ; và ngả hai : để cho chiếc khóa vàng tự buông mở như vậy thì người tu hành ắt phải trải qua bao công sức theo Tam Học và Bát Chánh Đạo. Đối với vế thứ nhì thì chúng ta cũng hiểu rằng, cái đám mây đang phủ dày trên chớp núi kia, tưởng là im lìm, nhưng có thể đã là sự kết hợp của nhiều cụm mây nhỏ từng lang thang khắp chốn đó đây.
Đây là một trong số ít các câu đối viết về cửa Thiền Việt Nam thành công nhất mà chúng ta có được.
5. Tiếp bước người đi trước, chúa Nguyễn Phúc Trú (trị vì từ 1726-1738) cũng mộ Phật và cũng ban tặng nhiều liễn đối, hoành... cho các ngôi danh lam trong vùng do các bậc cao tăng trụ trì.
Câu đối chúa ban cho chùa Linh Phong (Bình Định) vào năm 1733 như sau:
"Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư phật thổ,
Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian."

(Bờ biền gặp duyên may, mưa pháp cùng trời thấm nhuần đất Phật,
Núi linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở cõi người).
(Vũ Ngọc Liễn dịch, Thư mục tư liệu về Đào Tấn, Sở VHTT Nghĩa Bình xb, tr 81).
Cũng giống như câu đối của chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa Phúc Ân, ở đây mặt bằng thiền học và văn học đã có, sự kết hợp đã nhuần nhưng sức khơi gợi chưa cao, vì một số hình ảnh như pháp vũ, tường vân, vốn đã quá quen thuộc trong văn liệu Thiền học.
6. Sẽ là một thiếu sót nếu nói đến ngôi danh lam Linh Phong mà không nhắc tới Đào Tấn (1845-1907), một gương mặt thơ và là nhà viết Tuồng xuất sắc nhất trong văn học cổ điển Việt Nam, người có nhiều gắn bó với ngôi danh lam ấy. Có một thơi gian, do hoàn cảnh, Đào Tấn đã ẩn tu nơi chùa này và đã viết được một số câu đối có giá trị, xin giới thiệu hai câu :
"Thạch thất thiên niên hoàng hổ ngọa,
Hoa trì thập nguyệt bạch liên khai."

(Nhà đá cọp vàng nghìn thuở nghỉ,
- Ao hoa sen trắng tháng mười đơm)
(Vũ Ngọc Liễn dịch, sđd, tr 107)
và :
"Thập niên hồ hải quy lai mộng
Nhất kỉnh yên hoa tự tại thiên."

(Khói hoa một mớ trới dành sẵn
Ao biển mười năm mộng trở về)
(Vũ Ngọc Liễn dịch, sđd, tr 83)
Ở câu đối thứ nhất, Đào Tấn đã ghi lại một vài nét về hiện tượng lạ nơi, ngôi danh lam ấy : hoặc tương truyền (vế 1) hoặc chính mắt ông trông thấy (vế 2). Còn với câu đối thứ nhì thì đây chính là một khám phá phải đánh đổi cả đời người mới có được, cùng nói lên cái tâm đắc của ông Đào với cửa Thiền.
7. Tương tự như lối cấu trúc câu đối của chúa Nguyễn Phúc Trú ban cho chùa Linh Phong, chúng ta có thể kể đến câu đối khuyết danh (?) ỏ chùa Thiền Tôn (Huế), ngôi tổ đình do thiền sư Liễu Quán (1670-1742) khai sơn :
"Bảo đạc trường minh, bất đoạn môn tiền lưu lục thủy ;
Pháp thân độc lộ, y nhiên tọa lý khán thanh sơn."

(Tiếng mõ vang dài, trước cửa không ngừng dòng suối biếc ;
Pháp thân một lối, trong phòng cứ vậy ngắm non xanh)
(Nguyễn Quảng Tuân dịch, sđd, tr 126)
Rõ ràng ở câu đối này, mặt bằng thiền và văn học đã tạo được một kết hợp hài hòa đầy hình ảnh, tuy cũng đi từ một số hiện cảnh nhưng mang đậm tính chất phát hiện và khám phá (tiếng mõ chùa với dòng suối chảy, cảnh an nhiên tự tại của nhà sư đạt đạo ngắm nhìn dáng sừng sững của non xanh) và như vậy sức khơi gợi của nó quả là bất tận.
8. Cùng một dạng như câu đối trên, nhưng tính chất thiền và văn học lại được nâng thêm lên, chúng ta có thể kể đến câu đối khuyết danh (?) nơi Tổ đình Hội Khánh (Sông Bé) :
"Nhược thực nhược hư, trúc ảnh tảo giai trần bất động ;
Thị không thị sắc, nguyệt xuyên hải để thủy vô ngần."
(Như thực như hư, bóng trúc quét thềm, bụi trần vẫn tạnh ;
Là không là sắc, ánh trăng xoáy biển, sóng biển không nhồi).
(Giản Chi dịch, Dẫn theo Nguyễn Quảng Tuân, sđd, tr 228)
Cũng vẫn là một số hình ảnh quen thuộc của ngoại cảnh, nhưng sự khám phá và kết hợp ở câu đối trên phải nói là tuyệt vời, diễn đạt được nội tâm đạt đạo, tự tại với cái nhìn bất nhị về cảnh - trần, một câu đối như thế mà không biết được tác giả kể cũng đáng tiếc thật.
9. Câu đối nơi chánh điện chùa Nhan Sơn (Bình Định) cũng hàm chứa một khám phá rất đáng kể về hiện cảnh :
"Ngoan thạch điểm đầu, thạch khả vi nhân, nhân tác Phật ;
Nhạn sơn hồi thủ, sơn khai chánh pháp, pháp truyền nhân"
(Đá rắn gật đầu, đá hẳn là người, người làm Phật ;
Non nhạn hướng lễ, non mở chánh pháp, pháp truyền người)
(Thái Hòa dịch)
Hiện cảnh ở đây là hai pho tượng người đá được thờ trong chùa, gắn liền với một câu truyện dân gian được truyền tụng từ lâu khi vùng đất này còn là vùng gần kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Chiêm Thành. Dùng hình ảnh "ngoan thạch điểm đầu", tác giả câu đối trên đã tạo được sự kết hợp đáng chú ý, vì đây là một Phật điển đã được thi ca nhắc tới. Chẳng hạn :
"Mưa hoa rảy khắp bên mình
Nhấp nhô đá cũng xếp quanh gật đầu..."
(Truyện Quan Âm Thị Kính, câu 311-312)
Những người thích điển cố cũng có thể cho rằng hình ảnh Nhạn Sơn hồi thủ trong câu đối trên nhắc chúng ta nhới tới hai câu thơ của Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) đời Trần viết về một số thắng cảnh của vùng Hồ Nam, Trung Quốc trong chuyến đi sứ của mình :
"Vân tàng Nhạc Lộc sơ chung viễn
Thiên cận Hành Dương độc nhạn lai..."
(Nhạc Lộc từng mây chuông cửa Phật
Hành Dương chiếc bóng nhạn trên không...)
(Đinh Văn Chấp dịch, dẫn theo Hợp Tuyến... nhà xb Văn Học, h, 1976, tr 224-225)
Nhạc Lộc và Hành Dương đều là những ngọn núi và là thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hồ Nam. Nhạc Lộc có chùa cổ, bia đá cổ, Hành Dương có ngọn núi cao sừng sững gọi là Hồi Nhạn Phong vì tục truyền chim nhạn bay đến đó đều phải quay đầu lại không bay được. Người viết câu đối có thể chỉ dựa vào hiện cảnh là ngọn núi đất nằm về phía Tây Bắc gần ngôi chùa mang tên là Nhạn Sơn để diễn đạt, nhưng người đọc vẫn có thể nghĩ đến những liên hệ xa xôi như thế.
10. Để cho đủ con số 10 tác giả và cũng để làm kết luận cho bài viết, chúng tôi xin giới thiệu một câu đối viết về cửa Thiền có giá trị bằng chữ Nôm, tác giả là Phạm Thái (1777-1814), một gương mặt thơ xuất sắc của văn học Việt Nam cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, có một dạo đã khoác áo tu hành với đạo hiệu là Phổ Chiêu thiền sư. Câu đối ấy như sau :
"Khách hồng trần lơ láo kiếp phù hư, lối kim cổ ra vào sinh tử mãi ;
Thợ huyền tạo khéo khôn tay ảo diệu, then càn khôn đóng mở tịch triêu mau."
(Dẫn theo Nguyễn Văn Xung, Phạm Thái và Sơ Kính Tân Trang, nhà xb Lửa Thiêng, s, 1972, tr 128).
Câu đối này được viết ở cổng chùa Kim Sơn, vế trên là của Phạm Kim hiện đang tu tại chùa, còn vế dưới là của Thụy Châu, lúc này đang cải dạng là một đạo sĩ đến thăm chùa, cả hai đều là nhân vật chính trong tác phẩm "Sơ Kính Tân Trang" của Phạm Thái. 
(Trích Tuần Báo Giác Ngộ)

Socializer Widget by Khánh Nguyễn
SOCIALIZE IT →
FOLLOW US →
SHARE IT →
Share:

0 nhận xét:

Facebook Blogger Plugin: Bloggerized by AllBlogTools.com Enhanced by MyBloggerTricks.com

Đăng nhận xét

Blogger Tips And TricksLatest Tips For BloggersLatest Tips and Tricks
Loading...

Tổng số lượt xem trang

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Recent Comment

Like us on Facebook
Follow us on Twitter
Recommend us on Google Plus
Subscribe me on RSS
Blogger Widgets

Lưu trữ Blog