Kính thưa toàn thể các Phật tử.
Hôm nay là ngày sám hối lệ tại Tổ đình Bửu Quang nên toàn thể các vị đến chùa tụng kinh sám hối và nghe pháp. Tôi sẽ thuyết cho quý vị nghe một bài pháp nhằm khích lệ và tán dương tinh thần của Phật tử đã đến để phát triển đời sống tâm linh của mình. Và đây cũng là bổn phận của người xuất gia là thuyết pháp để đáp lại đức tin của những người hộ trì Tam bảo.
Vừa rồi, sư có nghe quý vị tụng bài kinh về Tỳ khưu Girimānanda. Trước đây, bài kinh này thường được chư Tăng tụng chứ Phật tử ít khi tụng. Sau này, sư đưa bài kinh này vào phần tụng kinh công phu tại chùa nên bây giờ các vị mới có dịp tụng đọc bài này. Bài kinh này đã được HT Hộ Tông dịch cách đây lâu lắm rồi. Bài này rất hay, mang tính triết học cao nhằm xoáy vô những người bịnh. Xuất xứ bài kinh này là ở chùa Kỳ Viên, gần thành Xá-Vệ (Sāvatthi) rất nổi tiếng trong thời Phật còn tại thế. Tại thành Sāvatthi đã xảy ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Khi đức Phật cho người nữ thành lập ni đoàn thì đây là nơi tổ chức lễ xuất gia. Ngày nay, trụ đá Asokha vẫn còn để dánh dấu sự kiện lịch sử này. Tại đây cũng là nơi diễn ra kỳ Kết tập Tam tạng lần II. Thành cũng gắng bó gần gũi với truyền thống Phật giáo. Trong thành có chùa Kỳ Viên do hoàng tử Jeta con vua Ba-tư-nặc, người bỏ tiền xây dựng là ông Cấp Cô Độc. Chùa này được được đức Phật phái ngài Xá Lợi Phất phụ trách xây dựng nên được dựng lên rất quy mô và hoành tráng. Mỗi khi ngoại đạo đến chùa mà có tư tưởng chống phá nhưng khi đi ngang đến cổng chùa thì những dự kiến định chống phá ấy tan biến mất. Vì khi nhìn thấy cổng chùa thì tâm họ thay đổi. Cổng chùa được xây dựng rất là hoành tráng và có một năng lực rất đặc biệt là mỗi khi người nào vào trong là sẽ cảm thấy tâm được thay đổi theo chiều hướng tốt. Chính vì vậy, khi ngoại đạo đứng trước cổng chùa họ nghĩ rằng những người ngụ tại đây là những bậc vĩ nhân. Thời xưa, tại đây quy tụ mười ngàn nhà sư. Di tích để lại cho ta thấy có khu vực tăng, khu vực ni, liêu cốc của đức Phật v.v…
Phật giảng bài kinh này vì trong chùa Kỳ Viên có vị tỳ khưu Girimānanda đang bị khổ vì bệnh. Vị tỳ khưu ấy rên la than khóc. Ngài Ānanda thấy vậy đã bạch Đức Phật mở lòng từ bi viếng thăm để động viên sách tấn vị tỳ khưu bệnh. Khi nghe Ānanda xin như vậy thì Phật bảo Ānanda thay mình đến thăm và thuyết 10 pháp quán tưởng cho Girimānanda. Đức Phật giảng cho Ānanda 10 pháp quán tưởng như sau : 1 là tưởng vô thường, 2 là tưởng vô ngã, 3 là tưởng bất tịnh, 4 là tưởng khổ, 5 là tưởng dứt bỏ, 6 là tưởng dứt tình dục, 7 là tưởng tịch tịnh, 8 là tưởng không tham biến thế giới, 9 là tưởng các hành là vô thường, 10 là tưởng hơi thở. Ngài giảng cặn kẻ cho Ānanda để Ānanda thay Phật vào thăm tỳ khưu bệnh và thuật lại 10 pháp quán tưởng này. Đức Phật ngày xưa cũng có rất nhiều công việc, thời khóa biểu của Ngài dày đặc. Phật ngủ không quá 2 tiếng một ngày, làm việc ban đêm từ 12 đến 3 giờ là tiếp phái đoàn chư Thiên. Do đó, ta thấy có nhiều bài kinh để lại cho biết Đức Phật đã thuyết giảng cho chư thiên vào ban đêm. Vào ban ngày, 5 giờ sáng Ngài nhập thiền để quán chúng sanh nào có duyên thì Ngài đi tế độ. Không phải lúc nào Ngài cũng di chuyển bằng thần thông mà Ngài đi bộ từ làng này đến làng nọ, từ thành phố này đến thành phố nọ, từ nước này đến nước nọ. Do lòng đại bi, Ngài cứ thong thả đi để đem lại hạnh phúc cho muôn loài. Có những trường hợp Ngài không trực tiếp vào thăm nhưng cũng có những bài kinh khác ta thấy rằng khi tỳ khưu bệnh mà không ai nuôi thì chính đích thân Ngài đến thăm, tắm rửa cho người bệnh. Sau đó, Ngài nói chư tăng hãy phục vụ người đồng tu thì đó mới là hạnh tu. Nhưng trong trường hợp này thì ngược lại, Ngài sai Ānanda đi thay ngài vì một lý do nào đó. Mười pháp quán tưởng này nghe qua tưởng chừng bình thường nhưng khi nghiền ngẫm lại thì ta mới thấy nó thật sâu sắc.
1. Quán tưởng vô thường.
Chúng ta hằng ngày bận rộn công việc, suy nghĩ chuyện này chuyện kia nên không bao giờ chú ý đến tâm của mình. Đến khi bệnh nằm một chỗ thì mình mới thấy chán, mới nhận thấy tâm mình. Mười pháp này để ta chiêm nghiệm lại dòng tâm thức của mình, cuộc đời này mong manh vô thường, không có cái gì của mình hết. Do đó, Ngài nói đến vô thường. Vô thường là không có cái gì yên một chỗ. Vô thường là hoàn cảnh vô thường, vô thường là con người vô thường, là sự vật vô thường v.v… Chẳng hạn như, cứ lâu lâu đến chùa Bửu Quang một lần thì quý vị sẽ thấy mỗi lần đến là mỗi lần thay đổi. Quý vị thấy ngay trong ngôi chánh điện này trước đây nhỏ nhưng bây giờ rộng lớn hơn. Trước đây khoảng sân của trước chùa chưa được lót gạch bây giờ đã được lót gạch sạch sẽ, khang trang. Cho nên hoàn cảnh luôn luôn thay đổi và ngay cả luôn chính bản thân ta cũng thay đổi. Ngày xưa, mình trẻ thì da hồng hào tươi tốt, giờ mình già thì mắt mờ, tai điếc, tóc bạc, răng rụng, quỳ gối lạy Phật cũng khó khăn. Ngay bản thân tôi, tôi ngồi làm việc trước vi tính đã 15 năm nay và tôi cũng tự hào là mình ngồi vi tính làm việc nhiều mà mắt cũng không mờ. Nhưng tự nhiên đến 42 tuổi thì mắt đọc sách không được. Dựt mình thấy mình già, rúng động cả người. Con người ta một là cận, hai là lão, lúc trẻ không đeo kính cận thì đến già cũng đeo kính lão. Điều này sẽ xảy ra. Cho nên bản thân của tôi đúng 42 tuổi phải đeo kính lão. Vì vậy, ta thấy thân của mình là vô thường. Phật dạy mình có thân này thì sẽ bị vô thường, có thân này là có danh sắc, có ngũ uẩn. Có ngũ uẩn thì phải bị chi phối bởi sự chết. Ai ai cũng có sanh ra thì cũng có cái chết. Mình biết là mình chết trong tương lai nhưng ở hiện tại này mình cũng không giám nghĩ là mình sẽ chết. Phật dạy phải quán sự vô thường, phải thấy hoàn cảnh vô thường, thân vô thường, sự vật vô thường, phải có sự chết.
2. Quán vô ngã
Vô ngã là không có cái gì của mình. Vô là không, ngã là bản thân mình. Theo tiếng anh từ vô ngã là “non-self”. Vô ngã là giống như mình thấy cảnh sắc này là vô ngã, cảnh thinh này là vô ngã, cảnh khí này là vô ngã, cảnh vị này là vô ngã, cảnh xúc này là vô ngã, cảnh pháp này là vô ngã. Không có thân này là vô ngã. Cho nên bài học đầu tiên Đức Phật dạy là trao người xuất gia một cái bình bát, một bộ y không có nút áo chỉ là một mảnh vải che thân để nói lên bài học vô ngã. Người tu sĩ dùng bình bát này để đi khất thực mà sống, mà muốn vậy phải sống dễ thương, bình dị. Đi xin ăn phải nhìn xuống, phải dễ thương. Cho nên, điều này dạy mình phá đi cái bản ngã này, xem mình không là gì cả. Nếu tu trong đạo mà khi nổi tiếng, có quyền có chức mà làm mất đi nét đẹp của thuở ban đầu thì không được. Một vị thầy của tôi từng nói vô ngã giống như chiếc máy bay, bay càng cao thì ta thấy máy bay đó càng nhỏ. Còn ta càng tu cao thì phải càng bình dị. Mình là Phật tử lâu năm đi chùa mà vẫn cung kính, lễ độ là đang bớt đi bản ngã của mình. Tại sao mình có tên là Nga, là Loan, là Đức, là Hồng v.v… thì sao lại nói là vô ngã. Mình có tên đẹp thì ai kêu cũng thích, tên xấu thì lại buồn. Ai đọc sai tên thì mình buồn, bản vàng công đức bị sót tên mình thì cũng buồn, trong buổi trai tăng đọc thiếu tên mình thì cũng buồn. Cái buồn đó là đi ngược với thuyết vô ngã. Cho nên trong những trưởng hợp đó thì mình cũng không được buồn. Vô ngã vì mình không làm chủ được đó, không có ai muốn tóc mình bạc nhưng cuối cùng cũng bạc. Đó là vô ngã. Không ai muốn da mình nhăn nhưng cuối cùng cũng nhăn. Đó là vô ngã. Không ai muốn răng rụng nhưng cuối cùng cũng rụng. Đó là vô ngã. Vô ngã là mình không làm chủ được mình.
3. Quán tưởng bất tịnh.
Người bệnh cũng nên tưởng về sự bất tịnh. Tưởng về sự bất tịnh là tưởng về 32 thể trược, tưởng về vật thực này bất tịnh để làm tâm mình bớt ham muốn bớt dính mắc, nhàm chán. Trong đề mục thiền, những người nào tham nhiều, ái dục nhiều thì vị thiền sư cho niệm thể trược. Vị thiền sư nào thấy mình sân si nhiều, nóng nảy nhiều thì cho niệm tứ vô lượng tâm. Sân như lửa, tứ vô lượng tâm như nước nên phải dùng từ, bi, hỷ, xả để dập tắt sân. Cho nên, Phật dạy 32 thể trược để lúc bệnh quán tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, mật, đàm, mủ, máu v.v… để bớt sự dính mắc, cố chấp.
4. Quán tưởng về sự khổ
Trong lúc bệnh tưởng về sự khổ thì ta thấy cuộc đời mình khổ nhiều hơn vui. Sanh là khổ, bệnh là khổ, già là khổ, gần người mình ghét là khổ, xa người mình thương là khổ, cầu không được là khổ v.v… có vợ có chồng mà chồng có vợ bé thì khổ, có con mà con phá nhiều cũng khổ, nói chung lại cuộc đời này vui ít khổ nhiều. Quý vị thấy còn thân này là còn khổ. Còn thân mà không tu thì tội lỗi. Còn thân, còn bệnh, còn già là còn khổ nếu đời này mình không quán chiếu khổ để khắc phục. Người tu là phải khắc phục vượt qua đau khổ. Mình không diệt khổ được thì khổ diệt mình. Mà mình càng khổ nhiều, càng sợ nhiều, mỗi no lớn quá sẽ sanh bệnh, u nhọt nổi lên, tiểu đường, tăng-xông xuất hiện. Bệnh do thời tiết, vật thực thì dùng thuốc để trị. Bệnh tâm sanh lên phải dùng tâm mà trị. Bệnh do nghiệp là loại bệnh thứ tư. Ngày nay những làm việc ngoài xã hội phải lo toan nhiều công việc, luôn bận rộn và căng thẳng. Trong thời gian mà căng thẳng nặng nề vật chất thì chính thiền giúp cho người kinh doanh, quan chức điều chỉnh lại. Thiền có công năng làm nhẹ, làm vơi đi những phiền não âu lo.
5. Quán tưởng sự dứt bỏ
Con người ta dính mắc và cố chấp. Bản chất của phàm phu là dính mắc như “có” là phải “giữ” – “hữu” phải “thủ”- có vợ đẹp lo giữ, có quyền chức lo giữ, có tài sản lo giữ v.v… Nên lúc bệnh phải tưởng sự dứt bỏ. Có lần, chúng tôi đi tụng kinh cho người đang hấp hối, tai nghe kinh nhưng tay thì nắm chặt xâu chìa khóa cứng ngắc. Mà cầm như vậy là tiêu rồi, không sanh làm con tắc kè cũng làm con chó để giữ của. Phật dạy phải chánh niệm và buông bỏ. Trong tiếng anh từ buông bỏ là “letting go”. Cách đây 12 năm tôi nghe bài pháp thoại của ngài Ajhan Chah, tôi nghe từ “letting go” nhưng tôi không hiểu nhiều. Ông nói bản chất ta là nắm, người tu thiền muốn cao thì phải bỏ - letting go. Hình ảnh ấy tôi nhớ hoài. Tưởng dứt bỏ là dứt bỏ tình dục, dứt bỏ việc nghĩ về sân hận. Khi tâm vắng lặng thì mình luôn nghĩ đến người mình thương thì sẽ sanh ái dục, nghĩ tới người mình ghét sẽ sanh sân hận, dẫn đến muốn hại người ta. Phật dạy phải dứt bỏ dục tư duy, sân tư duy và não hại tư duy. Do đó phải quán tưởng 3 dục tư duy này vì nó làm ta đây khổ, làm sanh tử luân hồi, làm ta đắm chìm trong biển ái dục và si mê.
Nguồn tin: Mha ghi chép
0 nhận xét:
Đăng nhận xét