Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Một Sự Thật Linh Nghiệm Của Tụng Kinh,Trì Chú, Niệm Phật

Nguồn: Hải Nhân Lão Pháp Sư. Thích Toàn Châu dịch



Xin mạn phép kể:
Hồi năm 1965 (năm Ất Tỵ), tôi đang tu học tại Chùa Diệu Đế Huế, vào khoảng mồng 10 tháng 11 Ất Tỵ (âm lịch), có mấy đạo hữu đến cầu thỉnh Thầy tôi (cố Hòa Thượng Thích Diệu Hoằng, Trú trì Chùa Diệu Đế hồi đó) qua nhà họ để khai Kinh cầu an cho Mẹ họ đang bệnh nặng. Thầy tôi chấp nhận (Bà bệnh ấy là đệ tử Thầy tôi tên Phan Thị Nguyên, pháp danh Nguyên Thanh), kêu tôi đi theo và dặn: "Ông đem theo áo quần để qua đó ở lại tụng Kinh, và đem thêm Kinh Thủy Sám". Thầy tôi và tôi được rước bằng xích lô đạp qua đó vào buổi sáng. Đó là ngôi nhà xưa (cột v.v... bằng gỗ, lợp ngói), ba căn (không ngăn), thờ Phật ở căn giữa rất trang nghiêm đẹp đẽ. Giữa bàn kinh có bộ Kinh Địa Tạng 3 cuốn, bằng chữ Hán có in âm Việt bên cạnh, và Kinh Thiền Môn Nhựt Tụng, chuông mõ đầy đủ tốt. Người trong nhà cho biết, lúc còn khỏe cụ bà Nguyên Thanh đó hằng ngày thường tụng Kinh Địa Tạng.
Lúc đó chúng tôi thấy bà cụ Nguyên Thanh nằm trên một chiếc ghế gõ tốt (bức phản 4 tấm ván dày) cứ la đau rất lớn tiếng, các người con trai, con gái và dâu đứng xung quanh, người thì nhìn, người thì rờ xoa vào Mẹ họ, mà Bà cứ la đau không ngừng, họ chỉ biết đau lòng thôi, chẳng có cách nào hơn. Vì bà cụ ấy bị bệnh ung thư sưng một cục đỏ lớn ở một bên trước cổ, đã đưa đi chữa tại Sài Gòn, bác sĩ đã đầu hàng. Mấy người con ở Sàigòn, Đà Nẵng đành phải chở Bà về bằng máy bay, đợi ngày chết. Bà cứ nằm lăn qua trở lại kêu la đau, không ai chịu nổi. Thấy hiện trạng và thăm hỏi xong, họ đã đơm hoa quả dâng hương đèn trên bàn Phật, cầu thỉnh Thầy tôi làm lễ cầu nguyện. 
Hai thầy trò làm lễ khai Kinh xong, Thầy tôi dạy tôi: "Ông ở đây để hằng ngày tụng Kinh cho Bà. Tụng ba bộ Thủy Sám xong rồi tụng tiếp ba bộ Địa Tạng, mỗi ngày đêm tụng ba thời, mỗi thời một cuốn". Tôi vâng làm theo lời dạy đó, không có một chút ý niệm so tính bất thành kính nào. Cứ tụng và bái sám qua mỗi ngày cho bà thì thấy Bà nhẹ bớt cơn la đau. Tới sáng ngày 14 tháng 11 âm lịch là lệ thường làm lễ Bố Tát của quý Hòa Thượng và toàn thể chư tăng tại Chùa Linh Quang Huế (tới ngày đó thấy Bà đã hết la đau), tôi xin ông Nguyễn Thiện Hạp (con trưởng của bà) và trong nhà, để lên Chùa Linh Quang làm lễ Bố Tát như thường lệ mỗi tháng hai kỳ (tôi mới thọ Tỷ Kheo và Bồ Tát giới vào ngày 19 tháng 6 âm lịch năm đó). Nhưng lạ thay, tôi ở trong nhà đó thì Bà nằm êm đềm, tôi vừa ra khỏi nhà tới ngõ ra đường công cộng thì Bà la lên: "Thầy mô rồi, Thầy mô rồi! Đau quá mời Thầy vô gấp". Ông Hạp chạy ra mời tôi vô. Tôi trở vô thì Bà hết la đau và mừng. Tiếp những ngày sau đó Bà càng lành hẳn, chẳng còn nghe la đau. Điểm đặc biệt là Bà rất tin tưởng Phật Pháp. Trong những lúc tôi tụng Kinh thì Bà chuyên tâm lắng nghe và nằm chấp tay, càng về sau Bà càng khỏe còn ngồi dậy được chấp tay. Bà dặn người con gái (vợ ông Tống Phước Đại, xưa làm quan thuế tại Sài Gòn, giờ hai ông bà ấy đang ở tại Úc với các con họ) nhiều lần: "Phải lo cơm nước, thức ăn tươi tốt cho Thầy". Những lúc tôi không tụng Kinh, Bà hay nói nhảm một mình, tôi khuyên Bà niệm Phật là Bà nghe theo thực hành liền. Có mấy lần Bà nằm nhìn lên mái nhà nói: "Mớ cá đó 15 đồng bán không?", "Ôi! Con rắn to quá!". Tôi chỉ biết khuyên Bà niệm Phật, Bà làm theo là hết và nằm yên.
 Vào tối 16 tháng 11 âm lịch, tôi và cả nhà thấy Bà khỏe hẳn như không bệnh chi cả, chứng kiến Bà ngồi chia của cho các con cháu ở gần: "Vải nầy cho con ... (tên gì đó), áo quần và tiền nầy cho vợ chồng thằng ... (tên gì đó)" v.v... . Chúng tôi cứ tưởng Bà sẽ khỏe sống thêm. Nhưng vào lúc 3 giờ 30 thuộc ngày 17 tháng 11 âm lịch, lúc tôi đang ngủ ngon, ông Thiện Hạp tới đánh thức tôi dậy nói: "Thầy ơi, giờ sao thấy Mẹ tôi mệt lắm, xin Thầy dậy tụng Kinh cho Mẹ tôi". Nghe thế, tôi lật đật dậy lo rửa mặt súc miệng rồi đốt hương đèn tụng Kinh liền. Tôi tán, tụng Chú Đại Bi rồi tụng Kinh A Di Đà, niệm Phật, hồi hướng... Hồi đó tôi đang sức trai rất khỏe, tụng chậm rãi rang rảng, chủ ý cho Bà nghe rõ. Tụng gần xong, tới "Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não" v.v... thì nghe mấy người con nói: "Mẹ khỏe lại rồi!". Tôi thầm nghĩ: "Mình tụng là để cho Bà nghe rõ mà vãng sanh, sao Bà lại khỏe trở lại?". Tụng hồi hướng, phục nguyện xong thời Kinh đó, đang mặc y hậu tôi liền bước qua thăm Bà (nằm một bên của ngôi nhà ấy). Thấy tôi qua thăm, Bà ngồi dậy xây mặt về phía tôi (đang đứng gần) chấp tay nói với tôi: "Xin cám ơn Thầy", rồi Bà xá (vái) 3 xá với niềm thành kính, lặng lẽ nằm xuống chết, chẳng thể hiện một chút đau khổ nào. Lúc đó tôi biểu ông Hạp và mọi người trong nhà niệm Phật tiếp trợ cho Bà, mọi người đều thành tín niệm theo tôi. Lúc Bà xá tôi xong nằm xuống chết, thì ông Hạp nhìn đồng hồ đúng 5 giờ sáng (bằng bây giờ 4 giờ sáng), giờ mà các chùa đang làm lễ vía Đức Phật A Di Đà. Thật là phước báo vô biên cho bà Phan Thị Nguyên, pháp danh Nguyên Thanh, chuyển nghiệp rõ ràng nhờ tụng Kinh trì Chú bái sám của một ông Thầy còn nhỏ mới thọ giới và nhờ thiện căn, niềm tin kiên cố của Bà. Lúc đó tôi chưa hiểu gì về giáo lý cao siêu của Phật dạy cả, chỉ bằng niềm tin và tụng niệm bái sám cho Bà bằng tâm thành kính thanh tịnh thôi. Bà ấy có 4 người con trai, kể từ người con đầu trở xuống (tôi nhớ theo đọc sớ): Nguyễn Thiện Hạp, Nguyễn Thiện Toại, Nguyễn Thiện Du, Nguyễn Thiện Giả. Ông Nguyễn Thiện Hạp nay đã 88 tuổi (Ất Mẹo), ở tại số nhà 61 Hoàng Văn Thụ, phường 15, quận Phú Nhuận. Giả sử có ai không tin việc trên, thì hỏi trực tiếp ông Hạp. Ông ấy không đi chùa, nhưng rất chơn chất và rất kính mến tôi. Mới năm ngoái tôi tới thăm, ông nói: "Lúc tôi chết Thầy nhớ tới cầu nguyện cho tôi nghe". Bà Hạp cũng vậy, nay đã 83 tuổi (Canh Thân), lúc còn khỏe Bà đi chùa nhiều. Giờ đã già yếu, bệnh nhức nhiều, nhưng mỗi lúc tôi tới thăm Bà đều cúng dường tiền, dầu gió tốt, v.v... Hai người con trai giữa của bà Nguyên Thanh tôi không đủ duyên gặp thân (nghe đâu nay đã qua đời cả rồi). Còn ông Nguyễn Thiện Giả, pháp danh Minh Độ thì rất kính mến tôi, nay đã 73 tuổi và đã tin Phật tu niệm, đọc nhiều kinh sách Phật, nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm, tập Thiền đã gần 30 năm qua, nay lo trì Chú, niệm Phật, và nhờ đó mà giải bệnh ngặt nghèo, hiện ở tại Úc. Các con ông Giả cũng tin tưởng Tam Bảo, phụng sự Phật pháp (dù nghèo). Đặc biệt gia đình vợ chồng con cái ông Giả không bao giờ nói nhau một tiếng nặng lời, luôn luôn nhỏ nhẹ ngọt ngào. Các con Ông rất quý mến tôi, nhất là hai vợ chồng Minh (con rể) và Thanh Nhu (con gái). Cho thấy ai có Tu đều có Phước.
 Kể từ ngày khai tụng Kinh cho đến ngày đưa đám, tôi ở nhà ấy 11 ngày đêm. Đó là cái đám mệt nhất của đời tôi. Đám xong về chùa độ một tuần thì bị bệnh phải vào bệnh viện Trung Ương Huế nằm (chẳng nhớ mấy tuần), sốt nặng liên miên, các bác sĩ Mỹ lúc đó khám tưởng tôi bị bệnh lao, cho thuốc trị lao, nhưng lạ thay tôi cứ nhận thuốc phát mà không tin là uống sẽ lành bệnh, nên cứ nhét dưới gối mà không uống. Cứ ngày nầy qua ngày khác như vậy, sốt cứ tăng lên, một hôm họ cho chuyền hai chai nước biển, tôi thấy người khỏe hẳn lại, nhưng vài ngày là sốt trở lại như cũ, tôi cứ xin mấy cô y tá chuyền cho nước biển mà chẳng ai cho. Một hôm độ 7 giờ 30 tối, tôi thấy bất ổn, nghĩ rằng chắc mình phải chết thôi, tôi lấy radio và lột đồng hồ đeo tay cho một cậu bệnh nhơn nằm bên cạnh (chẳng biết cậu ta bệnh gì mà khỏe hơn tôi nhiều, vì cậu ấy thường hầu hạ và giúp đỡ tôi trong những lúc tôi nằm bệnh tại đó), rồi nằm ngửa chấp tay thành kính niệm Phật A Di Đà rất nhiều biến, tiếp niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, v.v... tụng hồi hướng, nguyện tiêu tam chướng, nguyện sanh Tây Phương... xong là nằm lặng lẽ chờ chết. Và đúng là chết thật, lúc đó chẳng ai biết. Bấy giờ tôi thấy sáng rực và khoái lạc vô cùng, không còn thấy biết cảnh vật nào, chẳng còn một tí đau khổ nào, mắt nhắm mà thấy sáng rực và khoái lạc tinh thần thôi. Chẳng biết trải qua mấy tiếng đồng hồ như vậy (có lẽ vài tiếng), sau đó thì sống lại: thấy bức tường, đèn điện của bệnh viện sáng lờ mờ, v.v... và hiện tượng khổ trở lại, biết mình đã chết trong khoái lạc, giờ sống lại thì thấy bệnh hành khổ đau, cảm thấy tiếc vô cùng, như mất một cái gì vô giá không tìm lại được, tôi nghĩ: "Sao không chết luôn mà phải sống lại thế nầy". Tôi kêu cậu bệnh nhơn giường bên cạnh kể cho cậu nghe. Cậu thấy tôi sống lại nên trả radio và đồng hồ lại. Ngày hôm sau, bác sĩ tới khám lại, thì ra tôi bị bệnh thương hàn chứ không phải bệnh lao, thế là họ cho chuyền nước biển và uống thuốc thương hàn, lần nầy tôi uống hết không bỏ một viên, ít bữa sau xuất viện tốt. Trận bệnh nầy may có nhờ Mẹ Thầy Nguyên Kim (Thầy Lê Ngân) ở gần sân vận động Huế phát tâm lo lắng, bảo mấy người con Bà (em Thầy Nguyên Kim) bới xách cháo cho tôi mỗi ngày ba bữa. Cháo Bà nấu rất ngon, và mấy người con ấy đem áo quần tôi thay về giặt mỗi ngày. Bà cũng là đệ tử Thầy tôi. Tôi nghĩ, nếu Bà thích danh tướng thì Bà đi cúng lo cho chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, các vị trú trì ở Huế thiếu gì, mà phải cực nhọc săn sóc lo cho một ông Thầy nhỏ mới thọ giới vô danh tiểu tốt. Có lẽ Bà thấy và tin tưởng ở tôi là người tu hành tốt. Bà là người trì tụng Kinh Pháp Hoa hằng ngày, lúc về già thì Bà thuộc làu Kinh. Trong khoảng mười năm lại đây tôi mới báo được ân Bà phần nào. Bà mới qua đời hôm 29-5 âm lịch Nhâm Ngọ vừa rồi. Tôi nghĩ Bà là người thực sự sống với tâm đức. Trước đó tôi cũng chẳng có quan hệ gì với Bà, tôi chẳng biết nhà Bà ở đâu, chỉ thấy Bà tỏ vẻ tin tưởng quý mến tôi, và tới chùa gặp thỉnh thoảng cho tiền thôi. Cứ trong mỗi mùa An Cư, Bà qua chùa tụng Kinh ngày hai buổi như năm sáu chục bà khác, dưới sự hướng dẫn của Thầy tôi, tôi chỉ là một ông chú lo việc chùa, hầu Phật và hầu Thầy tốt, cũng nhiều lần ngồi đánh mõ. Thầy tôi chủ lễ ngồi bên chuông hướng dẫn họ tụng Kinh bái sám. Thầy tôi hơi rất tốt, tôi không kham theo liên tục, vì Ngài hướng dẫn họ tụng mỗi thời Kinh hết trọn một bộ Địa Tạng, rồi Thủy Sám, Lương Hoàng, Pháp Hoa, vạn Phật v.v... (đều bằng chữ Hán). Nhưng Thầy tôi chẳng bắt tôi tụng theo ông và Đạo tràng, Thầy tôi để quyền tôi. Hơi Thầy tôi tụng nghe rang rảng không cần máy.
 Có lẽ nhờ công đức đó mà những ngày Thầy tôi sắp Tịch như đã dự biết trước, rất an nhiên tự tại vui vẻ, nhờ một ông bạn thân chở đi thăm một số chùa và tự lo sẵn hòm trước, leo lên chùa Thanh Cao để họa mấy chữ Phạn về dán quanh hòm và nói: "Thiên hạ ai cũng sợ chết ngày xấu, tu hành sợ chi, để ta lựa ngày xấu đi". Có người mắc nợ gặp trả tiền, Thầy tôi nói: "Thôi cho đó, lấy làm chi nữa, không nhận nữa đâu". Mấy ông đang xây tháp thì Thầy tôi ra coi và nói: "Mấy vị làm mau ta xuống đó nằm cho mát, ở trên nầy nóng lắm". Tối 19 tháng 8 âm lịch Thầy tôi còn ngồi chơi với Hòa Thượng Chùa Giác Lâm, khuya ngày 20 (ngày 20 chưa sáng) Thầy tôi thở mệt một hồi rồi Tịch, chẳng tốn một viên thuốc, chẳng bệnh hoạn phiền ai cả. Lúc đó (vào năm 1983) tôi đang tu học tại Cao Đẳng Phật Học Viện Huệ Nghiêm, chỉ kịp để về trước giờ nhập Tháp Ngài một đêm. Quý Ngài trong Giáo Hội Huế lo hết, lo viết sẵn cả lời cảm tạ cho tôi đọc, lúc đưa nhục thân Thầy tôi nhập tháp xong. Tôi đoán Hòa Thượng Thích Chánh Trực và Thượng Tọa Thích Đức Thanh cùng hội ý viết bài đó. Thầy Toàn Lạc và Thầy Toàn Thiệt thì chỉ biết tuân theo quý Ngài dạy. Ngài Hòa Thượng Thích Trí Thủ ra đưa đám Thầy tôi, Ngài cảm động khóc, vì hai Ngài là anh em cô cậu ruột, đối với nhau hơn anh em ruột ở đời (Thầy tôi vai anh). Ngài không ngờ Thầy tôi lại Tịch sớm và nhanh dễ dàng như vậy, mới tròn 70 tuổi còn khỏe mà! Có lẽ Ngài thấy Thầy tôi là một nhà tu hành coi danh lợi như rác, không vướng dính mà Ngài nể, vì mất một bậc đáng quý, hơn là khóc vì tình anh em. Thật ân tình của các nhà tu rất sâu đậm, người thường khó mà hiểu. Nhưng buồn thay, chỉ 6 tháng sau thì Ngài Hòa Thượng Thích Trí Thủ cũng Tịch hết sức bất ngờ và mau vậy!
 Hòa Thượng Thích Trí Thủ Tịch chưa bao lâu, một hôm tôi nằm chiêm bao thấy Thầy tôi tới Phật Học Viện Huệ Nghiêm, tôi xuống gặp Ngài dưới sân, Ngài không hỏi thăm tôi và chẳng lên phòng, chỉ hỏi: "Ôn Hòa Thượng Trí Thủ đâu rồi?". Tôi thưa: "Bạch Thầy, ôn Tịch (chết) rồi". Thầy tôi nói: "Chết đó chỉ là chết cái thân giả thôi!". Lúc đó trong trí tôi thấy có một cái thân của Hòa Thượng nằm chết đó, tôi nghĩ và thấy tuồng như ai nắn một cái thân giả của Hòa Thượng nằm đó! Rồi một lát sau tôi thưa với Thầy tôi: "Bạch Thầy, rứa thì Ôn đi qua bên kia rồi!". Thầy tôi liền đi, chẳng dặn gì tôi cả. Do đó chúng tôi nghiệm biết, các Ngài thấy sanh tử chỉ là trò huyễn (ảo) mộng, chẳng bận tâm chi, chỉ lo tu Bồ Tát hạnh tiến đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
 Phần tôi, cũng nghĩ rằng, nhờ lúc mới vô chùa tu đã đủ niềm tin siêng tụng Kinh trì chú: Ngoài hai thời Công Phu sớm chiều, còn tụng Kinh Tam Bảo (trong đó có Kinh Thọ Mạng tụng gần như thuộc làu), Kinh Địa Tạng, Kinh Thủy Sám, lạy Hồng Danh Phật nhiều, nhờ đó mà không mang phải một bệnh đáng kể nào. Từ lần nằm bệnh viện Trung Ương Huế năm 1965 đó đến nay rất hiếm khi đi khám bác sĩ cho đến sau nầy, mỗi lúc thấy mình có tội lỗi gì thì lo tụng Kinh trì chú, bái sám giải ngay. Như lạy vạn Phật (bằng chữ Hán) trì chú Đại Bi, tụng Kinh Dược Sư, Kinh Phổ Môn, Kinh Lương Hoàng Sám. Và tôi tin tưởng rằng thành tâm tụng Kinh, trì chú, thành tâm lạy sám thì tội nghiệp gì cũng tiêu diệt như nhiều Kinh dạy. Từ 1975 đến nay, chỉ có một lần cảm ho nặng (vì lo đám tang tụng niệm nhiều), phải khám bác sĩ, và hai lần vào bệnh viện xét nghiệm thử có bệnh gì không, bác sĩ cho thuốc bổ uống một tháng thôi, thì biết nhờ Kinh Chú mà giải nghiệp trừ chướng.
 Còn lắm chuyện linh nghiệm khác, do tụng Kinh Phổ Môn và niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, niệm Bồ Tát Địa Tạng, xin khỏi kể thêm, mệt quý độc giả.
 Nhân dịp Ngài Hải Nhân giải thích chữ Kinh và những kết quả của người y Kinh tu hành, mà tôi tạm kể một vài chuyện của đời mình liên quan đến tụng Kinh, trì Chú, niệm Phật, niệm Bồ Tát linh nghiệm thấy rõ. Xin quý độc giả thứ lỗi, đừng trách: Ông Thầy tu mà chưa vô ngã.
 Bởi nếu đã thật sự VÔ NGÃ thì chẳng cần sám hối, tụng Kinh, trì chú, niệm Phật. Vì còn chấp ngã, còn thấy có ngã có nghiệp báo, có sanh tử luân hồi khổ đau mà phải sám hối, niệm Phật, v.v... Đã Vô Ngã thì tội lỗi, nghiệp chướng, sanh tử khổ đau nhân ngã bỉ thử, v.v... đều vô (không). Ở địa ngục cũng như ở thiên đường, Niết Bàn ngay giữa sanh tử khổ đau. Và không thấy có sanh tử Niết Bàn, không thấy có khổ đau an lạc khác nhau. Bằng Quán Trí Bát Nhã triệt tiêu hết mọi pháp duyên sanh như huyễn đó. Quán Trí là chày Kim Cang đánh tan hết mọi thứ đó. Quán Trí là thượng chiêu đánh gục mọi chấp trước của mê niệm, của vô minh phiền não. Bấy giờ thấy ta với chư Phật Bồ Tát v.v... không khác nhau, tất cả đều ở trong biển Giác vô biên. Tức đã bằng Tam Muội ấn đốt tiêu tất cả hạt nhân, chủng tử khổ đau, tâm niệm tham lạc, mà thường an lạc, tự tại, không dụng tâm, không khởi niệm theo duyên, theo trần cảnh. Tức đã tới Vô Tu Vô Chứng. Trái lại, nếu còn thấy khổ đau, còn sợ nghiệp báo, còn vì chấp ngã mà tạo ác nghiệp, và không đủ Quán Trí Bát Nhã thì nên làm từ đầu: Lạy Phật Bồ Tát sám hối, trì Chú, tụng Kinh, niệm Phật và tu tạo mọi Phước lành mà giải, mà xả ác báo để được tiến tới cảnh giới an lạc, hay đủ Quán Trí Tịnh Tâm lên bờ Giác. Kính kể.

 THÍCH TOÀN CHÂU 
Ngày 30-7-2002 
(21-6-Nhâm Ngọ) 
Nguồn Tamphat.Org

Socializer Widget by Khánh Nguyễn
SOCIALIZE IT →
FOLLOW US →
SHARE IT →
Share:

0 nhận xét:

Facebook Blogger Plugin: Bloggerized by AllBlogTools.com Enhanced by MyBloggerTricks.com

Đăng nhận xét

Blogger Tips And TricksLatest Tips For BloggersLatest Tips and Tricks
Loading...

Tổng số lượt xem trang

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Recent Comment

Like us on Facebook
Follow us on Twitter
Recommend us on Google Plus
Subscribe me on RSS
Blogger Widgets