Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam

28/12/2015 10:44:00


    Việt Nam có nhiều ngôi chùa cổ trên 100 tuổi, không chỉ gắn liền với đời sống tín ngưỡng nhân dân từ xa xưa mà còn là địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.
    1. Chùa Một Cột (Hà Nội)
    Những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam - 1
    Ảnh: Internet
    Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội – chùa Một Cột (hay chùa Mật) còn có tên gọi khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài.
    Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo ở Việt Nam, chỉ có một gian nằm trên một cột đá giữa hồ Linh Chiểu nhỏ có trồng hoa sen. Tương truyền, năm 1049, vua Lý Thái Tông đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm toà sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên là Diên Hựu.
    2. Chùa Thiên Trù (Chùa Hương) - Hương Sơn (Hà Tây)

    Những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam - 2
    Ảnh: Internet
    Chùa Thiên Trù (Chùa Hương) là một danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội khoảng 60 km, ven bờ phải sông Đáy. Nơi đây bao gồm quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, nổi tiếng với hàng chục những ngôi đền, chùa...
    Theo sách "Hương Sơn Thiên Trù thiên phú", chùa Hương được xây dựng từ đời Lê Huy Tông (1680-1705). Ở chùa có tấm bia cổ dựng vào năm 1686, nói về việc nhà sư Viên Quang có công sửa sang động báu Hương Tích và xây dựng ngôi chùa Ngoài. Có 2 ngọn tháp đáng chú ý là tháp Thiên Thuỷ - một khối đã nước mưa bào mòn và tháp Viên Công xây bằng gạch cổ.
    3. Chùa Dâu (Bắc Ninh)
    Những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam - 3
    Ảnh: Internet
    Chùa Dâu (hay còn có tên Thiền Định, Duyên Ứng, Pháp Vân) là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ III, nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km.
    Đây là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất và là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên ứng tự. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4
    4. Chùa Côn Sơn (Hải Dương)

    Những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam - 4
    Ảnh: Internet
    Toạ lạc ở thị xã Chí Linh, Hải Dương, chùa Côn Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng quốc gia đợt I năm 1962 và xếp hạng đặc biệt quan trọng vào năm 1994. Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
    Chùa có từ thời Trần, được dựng ở chân núi phía Nam, tên chữ là Tư Phúc Tự. Chùa được trùng tu mở rộng từ đời Lê, tương truyền có tới 83 gian nguy nga đồ sộ. Ngày nay, chùa Côn Sơn chỉ còn là ngôi chùa nhỏ, có tên gọi khác là chùa Hun và còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ có giá trị.
    5. Chùa Keo (Thái Bình)

    Những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam - 5
    Ảnh: Internet
    Chùa Keo ở thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Chùa có tên chữ là Trần Quang Tự, là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.
    Ngôi chùa hiện nay được trùng kiến vào năm 1930. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật và đồ thờ quý giá như Đại hồng chung đúc từ đời Lê, đôi lọ sứ Bát Tràng, bàn hương án... Đặc biệt nhất là Gác chuông của chùa - một kỳ công về mặt nghệ thuật kiến trúc. Gác gồm 3 tầng, cao 11,50m, mỗi tầng treo một quả đại hồng chung. Gác chuông trong như đoá sen mới nở vươn lên bên những thân cau cao vút.
    6. Chùa Bái Đính (Ninh Bình)

    Những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam - 6
    Ảnh: Internet
    Chùa Bái Đính nơi linh thiêng và nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trong khu vực. Đây là một quần thể chùa giữ nhiều kỷ lục Việt Nam như: chùa có diện tích lớn nhất, tượng Phật bằng đồng lớn nhất, chùa có nhiều tượng La Hán nhất và nhiều cây bồ đề nhất... Chùa thuộc xã Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km và cách Hà Nội 95 km.
    Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m về phía nam. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Năm 1997, chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp quốc gia. Mặc dù có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn phía tây Hoa Lư tứ trấn, nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.
    7. Chùa Báo Quốc (Thừa Thiên - Huế)

    Những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam - 7
    Ảnh: Internet
    Chùa tọa lạc trên đồi Hàm Long, kiệt 1, đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ban đầu (XVII) chùa có tên là Hàm Long Sơn Thiên Thọ Tự, sau đó (năm 1747) mang tên "Sắc Tứ Báo Quốc Tự” do Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ban. Đến năm 1808, Hoàng hậu Hiếu Khương cho tái thiết lại ngôi chùa, đổi tên là chùa Thiên Thọ. Năm 1824, vua Minh Mạng ngự thăm chùa và sắc lấy tên "Báo Quốc Tự”. Năm 1940, trường Cao đẳng Phật học được mở tại chùa Báo Quốc, chùa trở thành một trung tâm đào tạo tăng ni cho đến ngày nay.
    8. Chùa Đại Tòng Lâm (Bà Rịa - Vũng Tàu)

    Những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam - 8
    Ảnh: Internet
    Chùa Đại Tòng Lâm có tên đầy đủ là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự, nằm trên địa phận ấp Quảng Phú, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Là một ngôi đại tự có nhiều công trình quy mô và hiện đại, nắm trong tay nhiều kỷ lục Việt Nam như ngôi chính điện lớn nhất Việt Nam, tượng Phật nhiều nhất Việt Nam, pho tượng Phật Di-lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam...
    Năm 1958, chùa được Hòa thượng Thích Thiện Hòa từ chùa Ấn Quang (Thành phố Hồ Chí Minh) đến khai sơn với mục đích xây dựng nơi đây thành một đại tòng lâm có quy mô lớn, tiến đến mở Phật học viện, quy tụ tăng ni khắp nơi về tu học, đào tạo lực lượng kế thừa thực hiện sự nghiệp hoằng pháp độ sinh. Năm 1978, sau khi ngài mất, ý nguyện này vẫn được các vị trụ trì kế tục thực hiện.

    9. Chùa Giác Lâm (TP.HCM)
    Những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam - 9
    Ảnh: Internet
    Chùa Giác Lâm còn có tên gọi khác là Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm, toạ lạc ở số 118 đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của TP HCM, là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam.

    Chùa ban đầu có tên là Sơn Can đến năm 1774, thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc (trụ trì chùa Từ Ân) đã cử đệ tử của mình là Thiền sư Tổ Tông-Viên Quang (gọi tắt là Viên Quang) về trụ trì chùa, đồng thời đổi tên chùa thành Giác Lâm. Chùa được xây theo kiến trúc hình chữ “Tam” gồm chánh điện, giảng đường và nhà giám trai. Hai bên chánh điện là 2 bộ Thập Bát La Hán (bộ lớn và bộ nhỏ).

    Chùa có tất cả 133 pho tượng bằng danh mộc được sơn son thếp vàng. Tất cả những pho tượng, các bộ bao lam, bàn ghế, bài vị, các tháp mộ cổ... đều được chạm khắc cực kỳ tinh xảo.
    Trang Đàm
    Nguồn timeoutvietnam.vn
    Share:

    Đại lễ chiêm bái tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới

     
    Đại lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc nhằm tôn vinh giá trị đạo đức tốt đẹp và truyền thống tự hào dân tộc...
    Tối 8/4, tại chùa Hồng Phúc, phường Bắc Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng đã diễn ra Đại lễ Chiêm bái Phật Ngọc Hòa bình thế giới. Đây là địa điểm dừng chân cuối cùng sau khi đi qua gần 60 quốc gia trước khi tôn tượng quay trở về Úc an vị vĩnh viễn.

    Đại lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc nhằm tôn vinh giá trị đạo đức tốt đẹp và truyền thống tự hào dân tộc xây dựng một nước Việt Nam có thế và lực trên trường quốc tế. Đồng thời phát huy và nâng cao những giá trị lịch sử văn hóa, tâm linh của ngôi cổ sơn tự Hồng Phúc.
    Phật tử, du khách thập phương sẽ được chiêm bái pho tượng và tham gia các chương trình thuyết pháp với chủ đề Phật giáo và hòa bình thế giới, Thiền và cuộc sống, thắp nến cầu nguyện quốc thái dân an.

    Chú thích ảnh
    Phật Ngọc hòa bình thế giới được lấy ý tưởng từ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bên trong Bảo Tháp Đại Bồ Đề ở Bồ Đề đạo Tràng (Ấn Độ). Đây là pho tượng được làm từ khối ngọc thạch Nephirite quý hiếm, có màu xanh lá cây đẹp chưa từng thấy, nặng 18 tấn được tìm thấy tại miền Bắc Vancouver - Canada năm 2000.
    Năm 2008, Phật Ngọc được hơn 30 nhà điêu khắc chế tác và chạm thành pho tượng cao 2 mét 7 và nặng 4,5 tấn. Tượng được đặt ngồi trên một ngai vàng thạch cao khoảng 1.4 mét, kích thước và vẻ đẹp của tượng Phật Ngọc được coi là một kỳ quan của thế giới.

    Thượng tọa Thích Tục Khang - Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng, trụ trì chùa Hồng Phúc niệm cầu nguyện bình an và thắp nến tri ân cầu nguyện thế giới hòa bình
    Với niềm tin mang bình an lại cho con người ở khắp nơi trên thế giới, trung tâm Phật giáo Atisha (Australia) với sự hợp tác của các đạo tràng ở nhiều quốc gia đã khởi xướng cung nghinh tôn tượng Phật Ngọc chu du triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội duy nhất và cuối cùng cho Chư tăng, Phật tử và nhân dân TP Hải Phòng cũng như các tỉnh, thành lân cận vùng đồng bằng Bắc Bộ được vinh dự chiêm bái pho tượng từng được triển lãm vòng quanh thế giới từ năm 2009./.
    Phạm Phong/VOV Đông Bắc
    Nguồn Baomoi.com
    Share:

    Hình ảnh cựu tổng thống Myanmar, cư sĩ Thein Sein xuất gia

    Cập nhật lúc 09:44 06/04/2016 (GMT+7)


    (PGVN)

    Cư sĩ Thein Sein đã trở thành Tăng sĩ Phật giáo Myanmar, và bắt đầu khóa tu 5 ngày tại Tu viện Dhamma Dipati Monastery bên ngoài Pyin Oo Lwin, một địa điểm nằm gần Mandalay ở miền Trung của Myanmar.


    Cư sĩ Thein Sein, mới bàn giao chức Tổng thống Myanmar vào thứ Năm tuần trước.

    Theo Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar nước này; cựu Tổng thống vừa rời nhiệm sở của Myanmar, cư sĩ Thein Sein đã thế phát xuất gia, mặc áo cà sa tại thiền viện của Ngài Nandamalabhivamsa, viện trưởng Trường đại học Hoằng Dương Phật Giáo Nguyên Thủy Quốc Tế (Int'l Theravada Buddhist Missionary University), Pin Oo Lwin, Mandalay, Myanmar để bắt đầu một khóa tu ngắn.

     
    Cư sĩ Thein Sein đã trở thành Tăng sĩ Phật giáo Myanmar, bắt đầu khóa tu 5 ngày tại Tu viện Dhamma Dipati Monastery bên ngoài Pyin Oo Lwin, một địa điểm nằm gần Mandalay ở miền Trung của Myanmar.

    Cựu Tổng thống Myanmar không đưa ra lời bình luận cá nhân nào về lựa chọn tạm thời này, nhưng thông báo cho hay ông đã cân nhắc việc này ít nhất bắt đầu từ tháng Giêng năm nay, khi ông tham dự một Hội nghị Phật giáo ở Myanmar.

    Theo thông báo của Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cho biết: "Gần đây, Hòa thượng đáng kính nhất của đất nước, ngài Sitagu, đã hối thúc cựu Tổng thống Thein Seain đi tu khi ông (Thein Sein) tham dự một Hội nghị Phật giáo.
     
    Cư sĩ Thein Sein đã nói với Hòa thượng Sitagu rằng ông còn bận với các công việc của một Tổng thống và hứa sẽ đi tu sớm nhất có thể sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống."

    Gần đây, Hòa thượng đáng kính nhất của đất nước, ngài Sitagu, đã hối thúc cựu Tổng thống Thein Seain đi tu khi ông (Thein Sein) tham dự một Hội nghị Phật giáo.

    Hôm thứ Ba, một phóng viên của Ban BBC Miến Điện cho hay việc người dân là phật tử chọn một thời điểm trong đời của mình để xuống tóc đi tu là 'bình thường' theo truyền thống của nước này.

    "Đây là một việc làm bình thường và theo truyền thống, bất cứ một người trưởng thành nào theo Phật giáo cũng có thể chọn một thời điểm trong đời của mình để thực hiện việc này.

    "Cư sĩ Thein Sein trước đó còn làm Tổng thống, nay ông đã nghỉ và ông đã tìm ra thời gian của mình để làm công việc này," vẫn theo phóng viên của Ban BBC Miến Điện.

    Ông Thein Sein, 71 tuổi, một cựu tướng lĩnh, đã đảm nhận vai trò Tổng thống trong một nhiệm kỳ 5 năm vào năm 2011 để lãnh đạo một chính phủ có danh nghĩa dân sự, sau khi phe quân sự chấm dứt một nửa thế kỷ nắm quyền bính toàn bộ.

    Tháng 11 năm ngoái, Myanmar lần đầu tiên tổ chức bầu cử tự do sau nhiều thập niên và Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung Sang Suu Kyu đã giành thắng lợi 'long trời lở đất'.

    Cư sĩ Htin Kyaw đã được đảng NLD của bà Aung Sang Suu Kyu chọn tiếp quản chiếc ghế Tổng thống Myanmar từ tay Cư sĩ  Thein Sein.

    Cư sĩ  Thein Sein tiếp tục lãnh đạo cuộc chuyển giao quyền lực cho tới khi Tổng thống Htin Kyaw, người được bà Suu Kyi lựa chọn, lên nắm chiếc ghế quyền lực này vào hôm thứ năm tuần trước.

    Nữ Cư sĩ Suu Kyu đã đảm nhận các vị trí đặc biệt trong tân chính phủ dân sự, do bà không được phép làm Tổng thống với lý do có con cái có quốc tịch nước ngoài, theo Hiến pháp hiện hành của Myanmar.
     
    Tại Hội nghị Hòa bình Tôn giáo Thế giới tại Học viện Quốc tế Sitagu, Myaanmar, Cư sĩ Thein Sein, Tổng thống Myanmar trân trọng tiếp đón hàng trăm Đại biểu Phật giáo khắp nơi trên thế giới về dự lễ khai mạc Hội nghị Hòa bình Tôn giáo Thế giới tại thành phố Sagaing, Tổng thống Myanmar kêu gọi các nhà lãnh đạo đoàn kết lên án chủ nghĩa cực đoan càng ngày gia tăng khi đối mặt với phân cực Tôn giáo.

    Trong những gì có thể đóng góp cho tiếng nói chung của Tôn giáo Dân tộc, và một trong những lần phát biểu cuối cùng của ông, bài phát biểu công khai của Nhiệm kỳ của ông kết thúc vào cuối tháng 03/2016, cư sĩ Thein Sein, Tổng thống Myanmar cho biết: “Tôi rất hoan hỷ và thúc giục các nhà lãnh đạo Tôn giáo trên thế giới, các nhà lãnh đạo Chính trị và các nhà lãnh đạo Quốc gia trên thế giới, đồng tham gia góp phần hướng dẫn tín đồ tôn giáo tránh xa chủ nghĩa cực đoan”.

     
     
     
     
     

    Vân Tuyền
     (nguồn: khaosodenglish)
    Nguồn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam - http://phatgiao.org.vn/
    Share:

    Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi


    Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổiCách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi

    Nem lụi chay là một món ăn có vẻ khá mới lạ đối với nhiều người, với sự kết hợp đơn giản toàn rau củ cùng đậu phụ thanh mát cũng có thể tạo nên một món ăn ngon cho những người ăn chay rồi.

    Nguyên liệu
    Cách làm món nem lụi chay không hề khó chút nào, bạn có thể dễ dàng làm được món ăn này để thay đổi khẩu vị cho cả nhà những khi ngán ngẩm mấy món cá thịt nhiều mỡ. Nem lụi chay không chỉ hấp dẫn bởi màu sắc bắt mắt mà còn rất ngon nữa đấy. Cùng học cách làm nem lụi chay ngay hôm nay cho cả nhà mình thưởng thức nhé!

    Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau cho cách làm nem lụi chay:

    + 150g mỳ căn tươi
    + 7 -10 củ sả
    + 2 thìa cà phê dầu vừng
    + 1 thìa cà phê tiêu bột
    + 2 thìa cà phê dầu điều
    + 2 thếp bánh tráng
    + 1 quả dứa chín
    + 2 quả chuối xanh
    + 1 quả dưa chuột
    + 1 củ cà rốt
    + 100g lạc rang
    + Gia vị: hạt nêm chay, nước mắm chay , dầu ăn, tương ớt chay, đường kính, chanh.
    + Rau thơm: xà lách, húng láng, húng bạc hà, rau mùi..., bánh tráng để cuốn.
    Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi 1
    Nguyên liệu cho cách làm nem lụi chay
    • 1
      Bước đầu tiên bạn cần làm là sả cắt gốc bóc bớt lớp vỏ ngoài, rửa sạch để ráo nước. Chuối, dứa, dưa chuột, cà rốt cắt rửa sạch cắt miếng dài vừa ăn. Rau thơm nhặt rửa sạch.
      Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi 2
      Sả cắt gốc bóc bớt lớp vỏ ngoài, rửa sạch để ráo nước
      Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi 3
      Chuối dưa chuột, cà rốt cắt rửa sạch cắt miếng dài vừa ăn
      Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi 4
      Dứa cắt miếng dài, rau sống rửa sạch để ráo
    • 2
      Tiếp đến, bạn trộn mỳ căn với hạt tiêu, dầu vừng, hạt nêm, nhồi thật kĩ. Bao mỳ căn vào gốc sả sau đó cho vào xửng hấp chín. Để cho cây nem nguội, sau đó dùng chổi lông quét dầu điều lên nem.
      Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi 5
      Bao mỳ căn vào gốc sả sau đó cho vào xửng hấp chín
    • 3
      Sau đó, bạn cho dầu vào chảo, dầu nóng cho nem vào rán vàng là được.
      Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi 6
      Cho dầu vào chảo, dầu nóng cho nem vào rán vàng
    • 4
      Vỏ bánh tráng cuốn miếng trong quá trình ăn vừa ăn vừa kết hợp chiên giòn để tránh bị ỉu.
      Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi 7
      Vỏ bánh tráng cuốn miếng trong quá trình ăn vừa ăn vừa kết hợp chiên giòn
    Thành phẩm
    Nếu như nem lụi thịt có vị thơm đặc trưng của đất cố đô Huế, với nguyên liệu chính là thịt heo đã quết nhuyễn khiến bao khách phương xa xuýt xoa khi thưởng thức, thì nem lụi chay lại có vị thơm riêng của mì căn tươi và đặc trưng mùi sả thơm lừng khiến mọi người nếu được thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên.
    Thật đơn giản với cách làm món nem lụi chay phải không nào? Với sự kết hợp của các loại rau củ thanh mát cùng nước mắm chay đậm đà đã tạo nên một món ngon nem lụi chay tuyệt vời cho cả nhà.
    Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi 8
    Món nem lụi chay ăn kèm với các loại rau củ chuẩn bị sẵn sẽ rất ngon
    Khi ăn bạn bày tất cả các nguyên liệu đã sơ chế ra bàn, nem lụi có thể xắt lát hoặc để nguyên que cũng được, dùng kèm với, rau, bánh tráng cuốn chấm với nước mắm chay sẽ rất ngon nhé! Thỉnh thoảng đổi gió cho cả nhà bằng món nem lụi chay để giải ngán và thanh tịnh thâm hồn cũng là một ý tưởng tuyệt vời đấy!
    Ngoài cách làm nem lụi chay ra, bạn có thể tham khảo thêm các món chay ngon trong chuyên mục Ẩm thực của lamsao.com.

    Cách làm nem lụi chay ăn ngay cho nóng hổi 9
    Chúc bạn thực hiện thành công và ngon miệng với cách làm nem lụi chay.
    Nguồn tin: lamsao
    Copy to Tin giải trí khoa học
    Share:

    Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

    Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA TỤNG KINH

    Ngoài việc trở thành một dịch giả vĩ đại của kinh điển Đại thừa, đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đến nay đã có trên 70 năm tụng kinh. Lời khai thị của Hòa thượng dưới đây có ý nghĩa rất lớn cho người đọc tụng và thọ trì kinh để mở mang tâm trí và thâm nhập kinh tạng.


    DLHT


    Bạch Sư ông, tại Việt Nam, có người dùng từ đọc kinh, có người dùng từ tụng kinh. Ý nghĩa của hai thuật ngữ này thế nào?

    Các huynh đệ nên hiểu “tụng” là học thuộc lòng, những khi lên chánh điện mặc áo tràng đắp y, thắp nhang lễ Phật, có chuông có mõ, mở kinh ra rồi cho đó là tụng. Kỳ thật đó không phải là tụng kinh mà chỉ là đọc kinh. Tụng kinh là phải đọc thuộc lòng kinh. Nên nhớ kỹ điều đó! Khi đã thuộc lòng rồi, mình tụng mới có lợi ích lớn. Không những lúc mặc áo tràng đắp y lên điện Phật, mà trong những khi đi đứng nằm ngồi, thỉnh thoảng những lời kinh do mình thuộc nó sẽ khởi lên trong tâm.
    Như người đời thuộc những bài ca mà họ ưa thích, thì những khi đi đứng nằm ngồi họ thường khe khẽ cất lên vài câu, hay trong tâm cũng thường nghĩ nhớ đến những bài ca bài hát đó. Cũng vậy, nếu mình thường niệm Phật thì nó khởi lên câu niệm Phật. Còn nếu mình thuộc lòng kinh thì những lời kinh thường hay khởi lên thì ngay lúc đó là mình đã tụng kinh rồi.


    tungkinh
    Sư ông thường dạy rằng lời Phật thật quý báu. Vậy, người tụng kinh do tôn kính lời Phật sẽ đạt được lợi ích gì?

    Mỗi khi tụng kinh, mình nhớ lại những lời dạy của Phật thì đó là mình niệm Pháp. Khoảng thời gian mình tụng kinh thì những niệm phiền não, những niệm xấu, niệm ác bị đè phục nên không khởi lên; do bị đè phục nên nó yếu đi, nó đã yếu thì lúc có khởi lên cũng khởi yếu. Đây là nói phục, còn đoạn là khác nữa. Nhưng nhờ cái phục nên nó yếu. Vì yếu nên tội chướng nghiệp chướng cũng yếu dần. Khi bên tội chướng, nghiệp chướng yếu thì thiện căn công đức sẽ khởi dậy. Hai cái đó như hai cái giá cân. Nếu bên này nặng thì bên kia bị nhẹ. Nếu bên này nhẹ thì bên kia nặng, lẽ đương nhiên là như vậy. Nói cách khác, ngoài phước báu do tôn kính Phật pháp, người tụng kinh có thể làm tiêu trừ nghiệp chướng.


    thich-tri-tinh
    Trong đời tu của Sư ông, hẳn nhờ tụng kinh Sư ông ngộ ra nhiều điều. Xin Sư ông đơn cử một ví dụ về cái ngộ nhờ tụng kinh?

    Nay tôi sẽ nói rõ điều này cho các huynh đệ nghe, vì thông thường ít ai nghĩ đến. Nhân khi tụng Kinh Kim Cang tôi đã khám phá ra một điều mà từ lâu suy nghĩ không biết vì sao trong kinh nói một vị Tu-đà-hoàn dứt trừ được kiến phiền não, còn tư phiền não thì chậm nhất là trong bảy đời dứt hết thành A la hán. Vị Tu-đà-hoàn không có đời thứ tám, chỉ đến đời thứ bảy là cuối cùng. Trong kinh nói rõ ràng, chứ không nói việc tu hành gì cả.
    Tôi thường suy nghĩ việc đó hoài, nghiệm mãi không ra. Cho đến khi tụng kinh Kim Cang đến đoạn Phật hỏi ngài Tu Bồ Đề: Vị Tu-đà-hoàn có tự nói mình là Tu-đà-hoàn không? Ngài Tu Bồ Đề đáp là không. Bởi vì Tu-đà-hoàn gọi là nhập lưu. Nói nhập mà không chỗ nhập. Không nhập vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, do đó gọi là Tu-đà-hoàn. Ngay đó tôi hoát nhiên phá giải được cái điều mà tốn không biết bao nhiêu thời gian suy nghĩ về lý do tại sao mà vị Tu-đà-hoàn không có đời thứ tám, chỉ nội trong bảy đời dứt tư hoặc chứng A-la-hán.
    Nghĩa là vị Tu-đà-hoàn sau khi kiến hoặc đã dứt rồi thì tâm của vị ấy không còn bị chi phối bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Do không bị chi phối nên tư hoặc không có dịp phát khởi. Vì không phát khởi nên lần lần nó mòn yếu đi. Do mòn yếu nên nó dứt lần lần. Dứt một phần thì thành Tư-đà-hàm. Dứt thêm phần nữa thì thành A-na-hàm. Dứt thêm nữa cho đến dứt sạch hết thì thành A-la-hán. Nó dứt từng phần, dứt lần lần.
    Cũng thế, hằng ngày mình có niệm Phật tụng kinh, thì lúc đó phiền não, nghiệp chướng nó không khởi. Nó không khởi trong khoảng thời gian mình có niệm Phật, tụng kinh, chứ không phải nó luôn luôn không khởi. Nhưng có như vậy thì nó yếu lần đi. Nó yếu lần đi thì cái lành cái tốt phát triển lên thì gọi là mình có tu. Phiền não nghiệp chướng bị dằn bị phục thì thiện căn công đức phát sanh, cho đến lúc nào đó sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không còn chi phối nội tâm mình là thành công. Mà cũng không biết đến lúc nào, bởi vì chủng tử phàm phu trong vòng sanh tử luân hồi của mình nó nặng nề lắm, phiền não nghiệp chướng nặng nề lắm. Nhưng nếu hằng ngày mình có phương pháp để dằn để phục, thì nó sẽ yếu lần lần. Bằng không nếu bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chi phối thì mỗi ngày chẳng những nó không yếu mà lại mạnh thêm, thì mình càng chui đầu sâu vào vòng sanh tử luân hồi. Lẽ tất nhiên hai ngả rõ ràng như vậy. Trên đây chỉ là một ví dụ. Nếu các huynh đệ mỗi ngày đều tụng kinh thì sẽ tỏ rõ nhiều điều bổ ích. Do đó, tôi khuyên các huynh đệ siêng năng tụng kinh để thâm nhập trí Phật.


    thaytutungkinhChu Tieu
    Tại Việt Nam, khi tụng kinh, các chùa còn niệm Phật. Xin Sư ông khai thị về phương pháp niệm Phật trong tụng kinh?

    Tôi nói rõ để huynh đệ biết rằng tụng kinh và niệm Phật đúng cách là thật tu. Khi niệm Phật thì không duyên việc khác. Không duyên theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chỉ duyên nơi âm thanh câu niệm Phật. Huân tập mỗi ngày một mạnh lên nơi hạnh niệm Phật thì những niệm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp khác, mỗi ngày một bớt đi, vì trong khoảng thời gian đó nó không khởi được thì nó phải giảm bớt. Mà nếu thời gian niệm Phật càng ngày càng nhiều thì tất nhiên mỗi ngày mình lần lần tiến lên. Cũng như người tu thiền giữ tâm đừng cho khởi vọng, tất nhiên là làm sao cho nội tâm đừng bị chi phối bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nó không chi phối thì phiền não nghiệp chướng không do đâu mà sanh khởi. Phiền não nghiệp chướng không khởi được thì lần lần nhẹ đi, cho đến lúc nào đó cũng như cái màn che bị rách, bị tan thì ánh sáng từ trong nội tâm phát ra, gọi là tỏ ngộ. Hai đường tu dù Thiền dù Tịnh giống nhau, chứ không chi khác.



    Vậy, theo Sư ông tu thật chất là không để tâm dính vào sáu trần cảnh?

    Đúng vậy! Hằng ngày mình bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chi phối là không có tu. Lúc nào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nó không chi phối nội tâm của mình được, thì chính lúc đó là lúc mình tu. Nên nhớ kỹ như vậy! Chứ không phải đợi đến lúc mặc áo, đắp y lên chánh điện. Mặc áo đắp y lên chánh điện, lễ Phật mà bị cảnh ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nó chi phối thì chưa phải là có tu.
    Pháp của Phật dạy nói cho rõ là tu tâm. Còn nơi thân và khẩu chỉ trợ giúp cho nội tâm mà thôi. Nói vậy không phải phế bỏ những thời khóa tu tập, ban đầu sức tu còn yếu thì phải nương vào thời khóa, quan trọng ở chỗ là ngoài thời khóa cũng phải tu. Do đó niệm Phật không luận là lúc đi, đứng, nằm, ngồi gì, nếu có niệm luôn thì có tu, mà bị gián đoạn là không có tu. Đó là điểm chánh yếu. Tất cả các pháp môn khác cũng đều như vậy.



    Bạch Sư ông, để thâm nhập kinh tạng khi tụng kinh, người tụng phải làm gì để đạt được?

    Để được như thế, khi tụng kinh phải thuộc lòng kinh. Chẳng những các thời khóa trong chùa phải thuộc mà các kinh mình thích cũng phải thuộc. Như tôi cũng vậy, thích Phổ Môn phải thuộc Phổ Môn, thích Kim Cang phải thuộc Kim Cang, thích phẩm Phổ Hiền phải thuộc phẩm Phổ Hiền, cho đến thích Pháp Hoa phải thuộc Pháp Hoa. Lúc trước mỗi ngày giữ đều đặn như vậy, riêng kinh Pháp Hoa thì mỗi ngày tụng một biến hoặc hai ngày một biến. Ai làm được như thế thì thâm nhập kinh tạng không khó.


    thich-tri-tinh
    Bạch Sư ông, người bận rộn với nhiều công việc không có thời gian để tụng nhiều thì làm thế nào có thể hiểu kinh được?

    Người bận rộn có thể chọn các phần kinh quan trọng để tụng. Tôi đơn cử cách sắp thời gian của tôi trong quá khứ. Năm 1963 khởi lên việc tranh đấu với ông Diệm và năm 1964 thành lập GHPGVN Thống Nhất, tôi phải bận nhiều công việc nên mỗi ngày không có thời gian tụng kinh Pháp Hoa. Ai cũng biết tụng kinh phải tụng luôn nếu không lại quên nên không thể tiếp tục việc tụng kinh Pháp Hoa, mà chỉ giữ lại bài kệ phẩm Phương Tiện làm thời khóa cho đến bây giờ. Bài kệ phẩm Phương Tiện cũng nhiều lắm, gần 500 câu chứ đâu phải ít. Khi có thể thu xếp thời gian thì ta tụng cố định và đều đặn hơn thì mới hiểu kinh thấu đáo được.
    Hiện nay, thời khóa mỗi ngày của tôi nhất định phải có là: sáng sớm thức dậy tụng phẩm Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Kim Cang, bài kệ phẩm Phương Tiện của kinh Pháp Hoa, kinh Phổ Môn, kinh A Di Đà rồi hoàn kinh niệm Phật. Nếu tụng ra tiếng thì hơn 2 tiếng đồng hồ, nếu tụng thầm thì trên dưới một tiếng rưỡi. Năm nay tôi đã 94 tuổi nên chỉ thực hiện thời khóa bằng cách tụng thầm mà thôi, chứ tụng ra tiếng thì không nỗi nữa rồi. Sở dĩ tôi nói kỹ như vậy để chúng ta biết rõ cách tu tập của mình là phải có sự liên tục hằng ngày. Không nên lúc có, lúc không.
    Tụng kinh niệm Phật ngoài mục đích chính yếu là vãng sanh Cực Lạc ra, còn có tác dụng hàng phục những phiền não nghiệp chướng, khiến cho những thiện căn công đức được tăng trưởng. Nếu mỗi ngày tu hành đều đặn như vậy, tất nhiên lần lần bớt đi phần phàm phu sanh tử mà tiến lần trên con đường Hiền Thánh giải thoát.



    Bạch Sư ông, khi hiểu kinh rồi thì lộ trình tu bao lâu mới đạt kết quả?

    Ngay đức Phật cũng phải trải qua vi trần số kiếp tu tập chứ không phải con số ức muôn mà mình thường tính toán. Phải lấy số vi trần để tính số kiếp tu hành. Rõ ràng như vậy, chính đức Phật nói chứ không ai khác. Như Phẩm Đề Bà Đạt Đa trong kinh Pháp Hoa, ngài Trí Tích Bồ tát nói: “Tôi xem trong cõi Tam thiên Đại thiên nhẫn đến không có chỗ nhỏ bằng hột cải mà không phải là chỗ của Bồ tát (chỉ cho Phật Thích Ca) bỏ thân mạng để vì lợi ích chúng sanh, vậy sau mới thành đạo Bồ đề”. Chứ không phải thường thường như chúng ta, làm được chút ít công đức gì đó mà đòi thành ông Hiền ông Thánh liền đâu. Trong kinh dạy rất đầy đủ, nhất là kinh Đại Bửu Tích nói về công hạnh của các vị Bồ tát rõ ràng lắm. Mọi người nên cố gắng tìm đọc. Tôi bây giờ phải nhờ người khác đọc để biết được công hạnh của các ngài quá khứ tu thế nào, hiện tại thành tựu thế nào.
    Nói chung, việc dứt trừ nghiệp chướng phiền não để ra khỏi sanh tử luân hồi không phải là chuyện dễ. Nhưng mình có tu tập đều đặn là mình có bước đi. Mà đã có bước đi là có lúc đến. Có bước một bước là có giải thoát một bước, chứ không phải đợi đến đích rồi mới giải thoát. Thường nghĩ như vậy lại thấy vui. Bởi vì biết mình mỗi ngày có bước là mỗi ngày gần thêm bờ giải thoát. Nên nhớ kỹ là vi trần số kiếp chứ không phải ít đâu. Không phải nghe nói: “Tức tâm tức Phật” rồi cho rằng thấy tâm là thành Phật. Vì nếu như vậy là mình hơn Phật Thích Ca xa lắm rồi.
    H.T. Thích Trí Tịnh

    Ý NGHĨA CỦA SỰ TỤNG KINH – Đại đức THÍCH THIỆN THUẬN


    GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỤNG KINH – THÍCH MINH ĐẠO


    Nguồn tamduyen.com
    Share:
    Blogger Tips And TricksLatest Tips For BloggersLatest Tips and Tricks
    Loading...

    Tổng số lượt xem trang

    Nam Mô A Di Đà Phật

    Nam Mô A Di Đà Phật

    Nam Mô A Di Đà Phật

    Nam Mô A Di Đà Phật

    Recent Comment

    Like us on Facebook
    Follow us on Twitter
    Recommend us on Google Plus
    Subscribe me on RSS
    Blogger Widgets